Cô giáo Lò Thị Dinh là một trong số những gương mặt tiêu biểu góp mặt tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục. Ảnh: Thanh Hùng
Vượt lên khó khăn
Sinh năm 1985 nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, chật vật mãi mới được đi học nên đến năm 2009, chị Dinh mới tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Hà Giang. Song, với nỗ lực không mệt mỏi, cùng nhiều sáng tạo trong giảng dạy, mới đây, cô giáo trẻ người Lô Lô này được chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục.
Sinh năm 1985 nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, chật vật mãi mới được đi học nên đến năm 2009, chị Dinh mới tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Hà Giang. Song, với nỗ lực không mệt mỏi, cùng nhiều sáng tạo trong giảng dạy, mới đây, cô giáo trẻ người Lô Lô này được chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục.
Là người tràn đầy nhiệt huyết, 6 năm trong nghề, điều khiến chị cảm thấy khó khăn nhất không phải vấn đề kinh tế mà là việc vận động trẻ đến trường. “Điều kiện sống khó khăn nên các hộ dân và trẻ rất sợ đi học bởi sợ phải nộp tiền, phải chuẩn bị nhiều thứ. Cứ nhìn cảnh mùa đông rét mướt, các em chỉ có một manh áo mỏng đủ thấy khổ đến nhường nào. Cho nên mình tìm cách vận động đoàn thanh niên đóng góp quần áo, sách vở cho các cháu”, chị Dinh nói.
Không ít phụ huynh còn ngăn cản không cho con đi học bởi họ lo sau này không có tiền cho con học cao hơn. Có những gia đình, cô giáo Dinh phải đi lại gần chục lần mới thuyết phục được họ cho con đến trường. Rút kinh nghiệm từ chính bản thân trước đây học xong cấp 3, bố mẹ cũng không cho đi học vì tư tưởng “không có tiền, tốt nhất ở nhà” nên chị quyết tâm vận động các phụ huynh đến cùng.
Nhờ sự quyết tâm, đầu tư, sáng tạo cho từng giờ học, đến nay, lớp của chị đã có 57 học sinh theo học. Vì lớp học gồm con em của nhiều dân tộc khác nhau nên trong giờ học, chị dùng cả 3 thứ tiếng Tày, Mông, Kinh để dạy học trò. Vậy nhưng, trong lớp vẫn có những trẻ người dân tộc khác mà chị chưa biết tiếng. Khi đó, chị phải tập trung nhìn hành động, cử chỉ, ánh mắt để có thể hiểu được ý của học trò. Dinh cho biết, thời gian tới chị sẽ cố gắng học thêm một vài thứ tiếng dân tộc khác để có thể hiểu học trò hơn.
Không ngừng sáng tạo
Để trẻ hứng thú đến lớp, chị Dinh tìm cách tạo môi trường lớp học gần gũi, thân thiện với học sinh. Điều khiến chị tâm huyết nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài dạy. Điều kiện vùng cao khó khăn nhưng chị vẫn tự mày mò tìm tư liệu để trình chiếu cho học trò xem. “So với những buổi học “chay”, những buổi học được quan sát, trực quan khiến trẻ rất hứng thú”, chị Dinh kể.
Bên cạnh đó, chị còn sáng tạo làm các đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ các nguyên, vật liệu có sẵn tại địa phương, thậm chí chị còn tận dụng những phế liệu như vỏ hộp sữa, chai lọ... để giúp các tiết dạy thêm phong phú. “Từ vỏ chai, lọ, mình làm thành các con vật để trẻ tiện quan sát hay sọ dừa mình khoét rồi thiết kế làm thành lọ hoa. Mình bỏ tiền túi ra mua thêm giấy màu dán vào trang trí. Chỉ cần mình chịu khó một chút sẽ giúp trẻ thích thú học”.
Ngoài ra, chị còn tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ, chia bánh kẹo cho trẻ vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, trong các dịp nghỉ hè, chị cùng đồng nghiệp xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu hè tình nguyện để tạo sân chơi lành mạnh, góp phần giảm thiệt thòi cho trẻ vùng khó. Theo chị Dinh, chỉ có đổi mới hình thức giảng dạy mới có thể tạo ra được môi trường hấp dẫn với trẻ. Việc tạo ra những cơ hội, thử thách mới cho trẻ tìm tòi, học hỏi sẽ giúp trẻ phát huy được hết những khả năng tiềm ẩn. “Muốn vậy, mình phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, không chỉ học ở trường mà còn học từ bạn bè, đồng nghiệp, những người đi trước”, chị Dinh nói.
Điều khiến chị Dinh trăn trở là đến giờ vẫn còn những em nhỏ mới 3 tuổi đã tự đi bộ đến lớp hằng ngày. “Mình rất thương các con và chắc chắn sẽ phải cố gắng nhiều hơn, tiếp tục phấn đấu để mỗi ngày đến trường các con đều cảm thấy vui”, chị Dinh chia sẻ.
Lễ kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945-2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 6 diễn ra sáng 29/9 tại Hà Nội với sự có mặt của hơn 400 thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tới dự. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ GD&ĐT. |