Đừng bảo vệ con bằng mọi giá

08:30 | 13/10/2016;
Một phụ huynh ở Hà Nội đã quyết định chuyển trường cho con khi cô giáo yêu cầu con xin lỗi khi đến lớp muộn. Phụ huynh đó bảo vệ con với lý do: Việc đi học muộn không phải do con mà do lỗi của người lớn.
Nhiều cha mẹ nghĩ luôn cần bảo vệ con kể cả khi con làm sai. Ảnh minh họa internet.

Phụ huynh đó gay gắt, phản đối yêu cầu của cô vì cho rằng: “Con tôi đến muộn thì cô phải gọi cho tôi để phê bình chứ sao lại bắt con tôi xin lỗi. Người sai trong trường hợp này là cha mẹ chứ không phải là bé mà bắt bé xin lỗi”. Người mẹ đó còn ủng hộ hành động không xin lỗi của con: “Không xin lỗi là đúng, đấy là những đứa trẻ biết bảo vệ chính kiến".

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cho rằng, việc con phạm luật, không nhận lỗi mà cha mẹ chuyển trường cho con là phản đối chính quyền, dạy con thiếu tôn trọng pháp luật. Với cách dạy con như vậy, sau này, sớm muộn gì con cũng vi phạm pháp luật.

Nhiều cha mẹ luôn nghĩ cần bảo vệ con (kể cả trong những trường hợp con không có nguy hiểm gì) dù con làm sai. Điều này sẽ khiến đứa trẻ nghĩ mình còn nhỏ thì làm gì cũng được, hậu quả sau này sẽ vô cùng nghiêm trọng, con sẽ không có ý thức tuân thủ luật lệ, quy định chung trong cộng đồng. Thế nên, nếu cha mẹ nghĩ dạy con đạo đức chỉ từ những giờ lên lớp đao to búa lớn thì cha mẹ không hiểu tâm lý con người nói chung và trẻ nhỏ nói riêng.

Cha mẹ không thể dạy con chấp hành pháp luật khi bản thân vi phạm. Ảnh minh họa internet.

Dạy con, trước hết, cha mẹ phải quan tâm đến từng chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống. Nếu cha mẹ cứ ngang nhiên làm điều sai trái, ngược hẳn với những lời chém gió với con thì hậu quả sẽ là các con không tôn trọng bất kể điều gì cha mẹ nói.

Dạy trẻ, rất cần phải quan tâm từng tí một. Hậu quả của việc lơ là những chi tiết nhỏ xíu như trốn cảm ơn, xin lỗi, nói dối, bao biện… sẽ không đến ngay lập tức. Trẻ nhỏ như máy thu âm, máy hút đủ loại. Chúng hút những điều hay nhưng hút cả những điều rất dở. Đến khi lượng chúng hút trong đầu đủ lớn, lúc đó mọi thứ mới biến thành chất. Nếu điều dở nhiều hơn điều hay, trẻ sẽ nảy sinh rất nhiều đặc tính xấu và hậu quả sẽ ngày càng lớn.

Dạy trẻ không thể chỉ nhìn những biểu hiện của con hàng ngày, chúng ta rất cần tầm nhìn xa hơn từ 10 đến 20 năm sau. Không phải cứ qua mỗi ngày, con không gây sự là con đã ổn thật. Đứa trẻ sẽ tích tụ điều gì đó để 5 - 10 năm sau, chúng mới bộc lộ ra. Nếu đến lúc đó cha mẹ mới cuống lên xử lý thì mọi chuyện cũng đã muộn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn