Đừng biến con thành những chú ngựa trên đường đua

10:00 | 21/09/2016;
Kiểu học hành của nhiều trẻ hiện nay giống như đám ngựa đua trên đường đua, cứ chạy thục mạng mà không biết chạy để làm gì, chạy đi đâu.

 

ni-nga.jpg
Kiểu học hành của nhiều trẻ hiện nay giống như đám ngựa đua trên đường đua. Ảnh minh họa internet.

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐHSP Hà Nội) cho biết:

Nhiều đứa trẻ phải học vì điểm học kém bạn bè. Thầy cô giáo và cha mẹ gào thét, mắng mỏ, gây sức ép khiến chúng phải học. Với động lực học tập như thế, trẻ cứ học như kiểu bị đẩy vào lưng nên phải chạy. Chạy miết, chạy miết mà không biết chạy để làm gì, chạy đi đâu.

Bố mẹ vẽ ra đường cho chúng chạy. Bố mẹ mong muốn con mình ngoan ngoãn chạy theo con đường đó mà không cần biết đến ý kiến của con. Bọn trẻ cứ việc chạy trên con đường được vạch ra và được cha mẹ coi là tốt và mặc nhiên chúng cũng phải coi là tốt.

Cha mẹ không cần quan tâm đến khả năng, ý thích của trẻ. Kiểu học hành thế này giống như đám ngựa đua trên đường đua. Chúng bị bịt mắt bằng băng đen. Trên lưng chúng là một nài ngựa. Chúng bị thúc vào mông, bị roi quất vào lưng và bắt chạy. Chạy như thế nào cho nhanh đến đích thì chạy.

Trên đường mà vấp ngã thì nài ngựa sẽ quất chúng túi bụi và lôi cổ chúng dậy chạy tiếp. Để rồi khi đến đích, chúng được cởi bỏ một phần bịt mặt ra, ngơ ngác không biết mình đang ở đâu, không biết phải làm gì tiếp theo.

Động cơ học tập thì khác, đó chính là cái đích, là mục tiêu để bọn trẻ học. Để biết trước động cơ học tập của mình là gì, trẻ phải biết học để làm gì. Mục tiêu đó phải được xác định rõ ràng, chính xác chứ không phải là con đường mơ hồ mà bố mẹ chúng vẽ ra.

Mục tiêu đó phải được gạch đầu dòng bằng chính nhận thức, lòng mong muốn của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ vạch ra được những chiến lược hành động để đạt tới mục tiêu của mình. Xác định mục tiêu học tập là việc mà không ai khác, chỉ có bọn trẻ mới làm được. 

Lúc này, hình ảnh không còn giống như cuộc đua ngựa nữa. Đó là quá trình trưởng thành của một con người có ý chí, có quan niệm sống riêng, có niềm tin vào cuộc đời, niềm tin vào bản thân mình. Ở đó không phải là hình ảnh của cuộc đua mà là hình ảnh của những con người đang tìm tòi, khám phá, tích lũy kiến thức, kĩ năng và từng bước xây dựng bản lĩnh sống cho riêng mình. 

hc-v.jpg
Động cơ học tập phụ thuộc vào nhận thức, vào sở thích, niềm đam mê và khả năng của từng người. Ảnh minh họa internet.

Động cơ học tập của mỗi người là khác nhau. Động cơ đó sẽ phụ thuộc vào nhận thức, vào sở thích, niềm đam mê và khả năng của từng người. Vì thế, để con tìm được động cơ, tự giác học tập để đạt được mục tiêu cho chính con đề ra, chính bản thân cha mẹ phải là người dũng cảm đi chệch ra khỏi cái hướng đi quen thuộc của các phụ huynh. Họ cần phải yêu con mình hơn, chiến đấu vì con hơn. Cụ thể là để làm được việc đó, phụ huynh phải làm được các điều sau:

- Hoàn toàn không quan tâm đến thành tích. Cho dù đôi chút mặc cảm hoặc tủi thân khi không có gì để khoe, các phụ huynh cần kiềm chế cảm xúc và nên nghĩ rằng: Mọi tấm huy chương chỉ dùng để trang trí, huy chương không hề có giá trị khác hơn trong cuộc sống sau này.

- Không so sánh con với ai. Mỗi người có những năng lực riêng, có điểm mạnh, yếu riêng. Việc so sánh chỉ làm hỏng mọi chuyện chứ không đem lại bất kể điều tốt đẹp gì.

- Xác định chính xác: Việc học là việc của con, không phải việc của cha mẹ. Sẵn sàng cho con trả giá để từ đó rút ra bài học thay vì bênh vực hay bao biện khi con phạm lỗi.

- Hướng nghiệp cho con, để con tự xác định được mục tiêu học tập. Việc này cần phải làm ngay từ năm lớp 5, khi các con vừa qua những năm tháng đầu tiên của tuổi cắp sách đến trường. Càng làm tốt, các con càng nhanh chóng xác định rõ ràng mọi việc và quyết tâm theo đuổi.

Xác định động cơ học tập là việc vô cùng quan trọng của trẻ nhỏ. Khi xác định rõ ràng rồi, trẻ sẽ thực sự xây dựng được hướng đi cho mình, toàn tâm toàn ý cho việc đó mà không sợ hãi, chùn bước trước khó khăn. Việc học khi đó thực sự là việc của con và cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm là con đang từng bước trưởng thành.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn