Từ chối tiêm insulin vì sợ đau
Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM mới đây tiếp nhận điều trị cho bà N.T. L. (62 tuổi, TPHCM), tiền căn chẩn đoán đái tháo đường 10 năm. Gần đây, bà L. thường thấy mệt mỏi, tiểu nhiều, sụt cân và đường huyết cao dù vẫn tự mua uống thuốc viên hạ đường huyết theo toa cũ vì ngại đi tái khám.
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện người bệnh đường huyết khá cao và đã có biến chứng thận, biến chứng mắt do đái tháo đường. Do đó, bác sĩ đã tư vấn người bệnh cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ban đầu, người bệnh đã từ chối tiêm insulin vì tâm lý sợ đau, sợ kim tiêm và phức tạp. Nhưng sau khi nghe bác sĩ giải thích và hướng dẫn sử dụng bút tiêm insulin cặn kẽ, người bệnh đã tự thực hiện kỹ thuật tiêm insulin lần đầu tiên tại bệnh viện và hoàn toàn vượt qua được rào cản tâm lý, không thấy tiêm bút insulin đáng sợ như trước.
Bà L. tự thực hiện tiêm bút insulin tại nhà theo toa của bác sĩ, kèm theo ăn uống đúng giờ, tập thể dục theo hướng dẫn và tự theo dõi tại nhà thấy đường huyết đã ổn định hơn. Sau 1 tháng, người bệnh tái khám và đã có tình trạng sức khoẻ ổn định, hết tiểu nhiều và tăng cân.
BSCKII. Trần Thị Thuỳ Dung, Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tăng đường huyết lâu dài, diễn tiến âm thầm sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù loà, suy thận mạn, 60% đoạn chi không do chấn thương, đặc biệt 2/3 người bệnh đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người bệnh đái tháo đường càng cần phải chú ý đến chế độ điều trị và đề phòng tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Người mắc Covid-19 kèm bệnh nền đái tháo đường có tiên lượng nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với người không bị đái tháo đường.
Việc giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tái khám, không tuân thủ điều trị và làm thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện.
Theo bác sĩ, việc sử dụng các loại thuốc phù hợp theo giai đoạn bệnh giúp kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa biến chứng. Trong đó, thuốc tiêm insulin là một trong những loại thuốc cần thiết giúp kiểm soát đường huyết và được tiêm vào mô dưới da.
Hiện nay, nhờ sự tiến bộ trong sản xuất insulin, người bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin thường được bác sĩ hướng dẫn tự tiêm insulin với các loại bút tiêm insulin có nhiều ưu điểm như dễ dàng sử dụng, liều lượng chính xác, ít đau và dễ mang theo. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến không đạt được hiệu quả điều trị và gây một số biến chứng cho người bệnh.
Tiêm insulin tại nhà sao cho đúng?
Theo BS.CKII Trần Thị Thuỳ Dung, thực tế còn nhiều người bệnh sử dụng bút tiêm insulin không đúng gây ra nhiều hậu quả. Người bệnh cần biết cách bảo quản insulin, nếu bảo quản sai sẽ khiến insulin mất tác dụng. Người bệnh cũng cần chú ý luân chuyển vị trí tiêm, tránh trường hợp loạn dưỡng mô mỡ ở vị trí tiêm, insulin sẽ không hấp thu được vào máu. Bên cạnh đó, việc sử dụng sai loại insulin, sai liều insulin còn có thể gây hạ đường huyết cho người bệnh đái tháo đường.
Tuỳ vào đặc điểm của từng người bệnh, bác sĩ sẽ kê toa loại insulin và liều tiêm phù hợp. Người bệnh cần kiểm tra tên thuốc trên thân bút và toa thuốc để xác định đúng loại insulin, liều tiêm, thời điểm tiêm và chú ý đến hạn sử dụng của bút để đạt hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, người bệnh chỉ nên sử dụng kim bút tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng quá nhiều lần để giảm bị đau khi tiêm và hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.
"Khi chỉ định cho người bệnh tự tiêm insulin tại nhà, các bác sĩ và điều dưỡng tư vấn đều hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về các bước kỹ thuật tiêm và cách bảo quản, người bệnh cần chú ý tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn và tái khám đều đặn, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập luyện thể dục, thể thao hợp lý", bác sĩ Dung cho hay.
Khi được sử dụng đúng cách, thuốc tiêm insulin sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến chứng. Ngoài ra, người bệnh nên chọn lọc tìm hiểu những thông tin đúng về bệnh đái tháo đường trên những kênh thông tin đáng tin cậy, tránh làm theo những thông tin sai lệch về điều trị bệnh đái tháo đường như sử dụng những phương thuốc dân gian, tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng khiến đường huyết không ổn định. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn