Những miếng bọt biển trong gia đình thường được sử dụng với mục đích là vệ sinh bát đĩa hay cọ rửa một số vật dụng khác. Chính vì công dụng đó nên bản thân miếng bọt biển sẽ chứa không ít vi khuẩn bên trong, mặc dù chúng luôn được xử lý cùng với dung dịch tẩy rửa và các loại xà phòng mỗi ngày.
Theo Healthline, một nghiên cứu đánh giá về tình trạng vi khuẩn trên các miếng bọt biển rửa chén đĩa trong nhà bếp bằng phương pháp quét DNA cho thấy, trong miếng bọt biển chứa rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Chúng có thể gây tổn thương hệ miễn dịch hay gây ra một số chứng như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy ở con người.
Cũng theo một nghiên cứu năm 2017 do tổ chức Scientific Reports thực hiện, có tới 82 tỷ vi khuẩn trên mỗi inch của một miếng bọt biển nhà bếp đã qua sử dụng, chuyên trang House Digest cho hay.
Những miếng bọt biển rửa bát chứa nhiều vi khuẩn hơn chúng ta nghĩ. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, tốt hơn hết mỗi gia đình nên thay thế miếng bọt biển nhà mình định kỳ. Thời gian được khuyến cáo nên thực hiện công việc này là khoảng 1 - 2 tuần/lần. Nếu tần suất sử dụng nhiều hơn, cũng có nghĩa là bạn cần thay nó sớm hơn, khoảng 1 tuần/lần.
Việc thay thế món đồ này sẽ đảm bảo việc đồ đạc được vệ sinh sạch sẽ hơn, và an toàn hơn với sức khỏe người sử dụng.
Giám đốc điều hành của một đơn vị vệ sinh nhà cửa ở Mỹ chia sẻ trên chuyên trang The Spruce, ngay cả khi chưa đến thời hạn thay thế, cũng có những dấu hiệu cảnh báo, bạn cần thay thế miếng bọt biển trước thời hạn.
Cách dễ dàng nhận biết nhất đã đến lúc phải tạm biệt miếng bọt biển cũ đó là nhìn vào ngoại hình, cụ thể là màu sắc của chúng. Theo đó, khi đã được rửa hay giặt kỹ mà trên miếng bọt biển vẫn có những vết ố vàng, có những khu vực đổi màu bất thường hay thậm chí là những vết đen do nấm mốc, thì tốt nhất bạn nên bỏ chúng đi.
Thông thường những miếng bọt biển sẽ không có mùi, ngay cả khi hàng ngày chúng được tiếp xúc thường xuyên với các loại chất tẩy rửa.
Tuy nhiên, nếu như một ngày miếng bọt biển xuất hiện những mùi lạ như mùi chua, mùi hôi mốc thì chứng tỏ chúng đang bị xâm nhập bởi vi khuẩn. Mùi hôi có thể đi kèm sự biến màu hoặc là không.
Vì vậy, khi dùng miếng bọt biển rửa bát, hãy để ý mùi của chúng. Mùi của miếng bọt biển không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch đồ dùng mà còn có thể lan rộng ra khắp phòng bếp nhà bạn, gây bất tiện cho cuộc sống.
Miếng bọt biển xuất hiện mùi lạ có thể là do vi khuẩn nấm mốc tích tụ. (Ảnh minh họa)
Dấu hiện rõ nhất cho thấy bạn cần mua ngay một miếng bọt biển mới đó là miếng bọt biển cũ bắt đầu bị mủn ra. Với cấu tạo bằng xốp, khi bị mài mòn qua thời gian dài, miếng bọt biển dễ bị mủn và rơi ra các sợi xốp nhỏ, thậm chí là bị rách.
Khi này, rõ ràng là bạn không thể tiếp tục sử dụng nó, nó cũng sẽ gây mất vệ sinh, khả năng gây tắc đường ống cống.
Nếu nhận thấy miếng bọt biển bắt đầu bị mủn ra thậm chí là rách, hãy thay thế chúng ngay. (Ảnh minh họa)
Việc miếng bọt biển có xuất hiện các dấu hiệu lạ, cảnh báo sự hỏng hóc hay không, bên cạnh yếu tố thời gian thì cũng có thể xảy ra do khâu bảo quản của gia đình bạn.
Sau khi sử dụng xong, tốt hơn hết đừng cất ngay miếng bọt biển vào những chiếc hộp đậy kín. Miếng bọt biển nên được phơi khô, tránh tình trạng đọng nước bên trong, dẫn tới phát sinh tình trạng ẩm mốc. Với những gia đình cẩn thận hơn, có thể vệ sinh miếng bọt biển thường xuyên.
Bạn cũng có thể trang bị tại khu vực bồn rửa những chiếc giá, kệ hở để tiện cho việc đặt miếng bọt biển. Chúng vừa có thể được ráo nước, vừa khô bằng cách tự nhiên nhất.
Miếng rửa bát sau khi được sử dụng xong cần được phơi khô để ráo nước hoàn toàn, hoặc vệ sinh kỹ hơn. (Ảnh minh họa)
Một số phương pháp vệ sinh miếng bọt biển dễ thực hiện và không tốn quá nhiều thời gian có thể kể tới như cho vào lò vi sóng, máy rửa bát hay ngâm, giặt lại chúng với xà phòng rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Với phương pháp cho vào lò vi sóng, bạn có thể đặt miếng bọt biển ướt trong lò vi sóng khoảng 1 phút và bật nhiệt độ cao. Việc làm này có tính năng khử trùng miếng bọt biển. Tuy nhiên trước khi thực hiện, cần đảm bảo bên trong hay trên bề mặt miếng bọt biển không có bất kỳ mảnh hay sợi kim loại nào, bởi nếu có, chúng có thể bắt lửa và tiềm ẩn nguy hiểm khi cho vào lò vi sóng.
Bên cạnh việc sử dụng miếng bọt biển để rửa bát, bạn cũng có thể cân nhắc các phương pháp thay thế khác như dùng xơ mướp, tấm lưới rửa vì chúng có độ bền cao hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn