Đừng coi chồng như người thân vì 3 lý do này

19:00 | 16/06/2022;
Khi coi chồng như người thân, chúng ta dễ xóa nhòa ranh giới lẽ ra phải có giữa vợ và chồng. Chúng ta bỏ qua cảm xúc của nhau, bỏ qua cả những khác biệt nên có giữa vợ và chồng, là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong hôn nhân.

Đám cưới là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người, đánh dấu sự kiện đôi lứa chính thức về chung một nhà, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Đôi bên sẽ dần trở nên thân thuộc với mọi hành động nhỏ nhất của nhau, thấy an toàn hơn và có thể thoải mái chia sẻ những cảm xúc, thói quen của mình mà không lo bị đánh giá.

Người vợ không ngại ợ hơi ngay sau bữa ăn, người chồng chẳng ngại ngùng về những chiếc tất bốc mùi của mình. Họ biết đối phương có thể không thích, có thể cười chê nhưng chẳng cảm thấy e ngại khi làm những điều này vì hai người đã quá quen thuộc.

Có những người phụ nữ sau kết hôn luôn coi chồng mình như người thân, cho họ những đặc quyền mà người khác không có. Chúng ta sẽ trở nên gắn bó, thân thiết hơn khi về chung một nhà nhưng đừng vì vậy mà luôn coi chồng mình là người thân vì 3 lý do sau đây:

Đối xử với chồng như người thân dễ làm mất đi sự tươi mới của tình yêu

Chúng ta có thể dễ dàng nói câu "Em yêu anh", “Anh yêu em” với người yêu của mình nhưng lại cảm thấy khó khăn hơn khi bày tỏ tình cảm tương tự với cha mẹ. Đó là bởi cha mẹ là người thân của chúng ta, đã ở bên chúng ta rất lâu nên từ bao giờ đã xóa nhòa đi sự xa lạ. Chúng ta có thể dành cho bố mẹ nhiều điều tuyệt vời, mua cho họ những sản phẩm tốt nhất nhưng thực sự cảm thấy ngại khi nói ra “Con yêu bố mẹ”.

Hôn nhân thì khác. Đây là mối quan hệ mà giữa hai người không có yếu tố quan hệ huyết thống, nền tảng vững chắc nhất là tình yêu đôi bên dành cho nhau. Khi coi chồng như người thân, theo thời gian, hai bạn sẽ quá thân quen với nhau. Sự thân thiết đó một mặt khiến mối quan hệ gần gũi hơn, mặt còn lại khiến đôi bên dễ biết quá nhiều về nhau, không còn tôn trọng nhau cũng như có những cảm xúc mới mẻ như trước.

“Xa thương, gần thường”, chúng ta trở nên ngượng ngùng khi nói những lời ngọt ngào với nửa kia, ngượng ngùng khi dành cho nhau những cử chỉ thân mật. Đây là điều rất không nên có trong mối quan hệ hôn nhân, nơi luôn cần sự hấp dẫn mà nguồn gốc của sự hấp dẫn chính là sự tươi mới.

Khi luôn coi chồng như người thân, phụ nữ sẽ cảm thấy quá thân thiết để tìm thấy bất kỳ sự mới mẻ nào trong quá trình hòa hợp. Kết quả là, cuộc hôn nhân ấy trở nên giống như một vũng nước đọng, mất đi sự tươi mới và dễ đổ vỡ. Bởi vậy mới nói rằng, vợ chồng hãy coi nhau như những người khách quý, tôn trọng lẫn nhau và tự trọng với chính mình.

Coi chồng như người thân dễ khiến bạn cho họ những đặc quyền thái quá

Cách suy nghĩ của phụ nữ thiên về tình cảm hơn. Bước chân vào một mối quan hệ, họ thường là những người sẵn sàng hy sinh và cho đi, không toan tính hơn thiệt.

Giang quyết định lựa chọn ngã rẽ cho mình trong sự nghiệp, đến với vị trí công việc ít tiềm năng hơn để có thời gian chăm sóc cho chồng con. Mỗi chiều đi làm về, cô lại tranh thủ đón con rồi tạt qua chợ, nhanh nhanh chóng chóng còn về nhà cơm nước trước khi chồng về. Tài, chồng cô, là người sẽ buông đũa mỗi khi ăn xong, tới thẳng chiếc ghế sofa để xem chương trình tivi yêu thích.

Trong nhà, mọi việc từ chăm sóc, học hành của con cái đến cơm nước, chợ búa đều một tay Giang đảm nhận. Cô thấy việc chồng mình không làm việc nhà không phải vấn đề gì lớn lao, sẵn sàng bao dung vì đó là người thân của mình.

Tuy nhiên, khi trao đi tình yêu và sự bao dung đó, thứ Giang nhận về là sự dửng dưng của chồng. Tài dần thấy cô giống những bà mẹ bỉm sữa lôi thôi, không còn vẻ cuốn hút của những cô gái mình gặp bên ngoài. Anh coi mọi điều vợ làm cho mình là đương nhiên, thay vì trân trọng lại luôn cảm thấy dửng dưng, sẵn sàng trút giận lên vợ khi ra ngoài gặp chuyện.

Nhà văn Strindberg từng nói: "Đẹp nhất và cũng đau khổ nhất là tình yêu”. Dù trong mối quan hệ nào, phụ nữ cũng cần biết yêu thương bản thân mình thay vì luôn đặt người khác lên ưu tiên số 1. Muốn được sống trong yêu thương, nhận được sự tôn trọng của người khác, bạn cần học cách yêu thương và tôn trọng chính mình.

Đối xử với chồng như người thân dễ khiến hôn nhân của bạn trở nên khủng hoảng

Một nhà hòa giải nổi tiếng từng nói rằng: "Rất nhiều gia đình mang trong mình suy nghĩ sai lầm về đặc quyền. Vì cùng chung sống với nhau nhiều năm nên họ vô thức nghĩ rằng nửa kia là của mình, mình muốn sở hữu nhiều hơn cũng như kiểm soát nhiều hơn nữa”.

Khi coi chồng như người thân, chúng ta dễ xóa nhòa ranh giới lẽ ra phải có giữa vợ và chồng. Chúng ta hiển nhiên cho rằng bản thân làm gì thì đối phương cũng nên chấp nhận và không phản bác. Những cảm xúc tiêu cực của mình cần được bạn đời bao dung, nếu có cãi vã không cần biết đúng sai, đối phương phải là người cúi đầu trước. Chúng ta hành động cũng vì lợi ích của nhau nên nửa kia cần làm theo vô điều kiện.

Tuy nhiên, khi chúng ta bỏ qua cảm xúc của nhau, chúng ta cũng sẽ bỏ qua những khác biệt nên có giữa vợ và chồng, là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong hôn nhân. Nhớ rằng, sự tôn trọng lẫn nhau luôn là điều rất quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn