Đừng 'đánh rơi' bữa ăn gia đình

15:03 | 28/12/2017;
Xã hội ngày càng hiện đại, mỗi thành viên trong gia đình ngày càng bận rộn hơn, mối liên hệ giữa các thế hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn và những bữa cơm chung của cả nhà cũng ngày càng thiếu vắng...
Tuy nhiên, việc khôi phục và duy trì những bữa ăn chung vẫn là điều khiến nhiều người khao khát... Anh Lương Xuân Tùng (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay do đi làm ăn xa nhà nên gia đình nhỏ của mình chỉ có tôi và bà xã. Tuy nhiên, 2 vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì bữa ăn gia đình. Chúng tôi chủ yếu ăn cơm cùng nhau vào buổi tối. Ai đi làm về trước sẽ đi chợ và nấu ăn, người còn lại về sau sẽ phụ giúp việc dọn dẹp. Trong bữa ăn thì tụi tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện hôm nay 2 đứa trải qua. Những thông tin "hot" trên mạng xã hội, những khó khăn và tích cực của công việc. Tụi tôi cũng thường gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ 2 bên sau mỗi bữa ăn tối. Sau đó tôi và vợ sẽ cùng dọn dẹp để sau đó cùng dành thời gian đi chơi hoặc ở nhà xem phim với nhau. Cấc ngày lễ tết thường về quê ăn cơm chung với bố mẹ và anh chị em. Bữa cơm gia đình khi ấy rất thích, rất rôm rả và cảm giác rất là đầm ấm. Cả gia đình sẽ nói chuyện với nhau về chuyện ở quê, chuyện thành phố… Sau đó thì cùng nhau xem phim hoặc hát hò...".
Với gia đình người mẹ trẻ Đào Thị Hạnh (TPHCM), chị cho biết: “Bữa ăn chung trong gia đình thật sự rất quan trọng với tôi. Dù bận rộn thế nào, tôi cũng cố gắng về nhà nấu cơm chiều. Lúc trước, do nhiều việc nên tôi nhiều lần cho các con ăn ngoài. Một lần con trai lớn của tôi bảo: “Mẹ, con rất hay bị rối loạn tiêu hóa”. Tôi hốt hoảng bảo: “Để mẹ đưa đi khám”. Con bảo: “Không, là do con không quen thức ăn bên ngoài”. Tôi chợt hiểu ra là con mong muốn một bữa ăn gia đình mỗi ngày. Và sau đó, dù bận rộn đến đâu, bữa cơm chiều luôn được duy trì với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Ăn tối nên không quá nhiều, nhưng tôi thích bát đĩa đẹp, các con vừa ăn vừa nói chuyện cùng với mẹ. Tôi không thích những bữa ăn gia đình quá im lặng. Bữa cơm gia đình cuối ngày là lúc chúng tôi giãi bày mọi cảm xúc của mỗi ngày khiến các thành viên giải tỏa và hiểu nhau hơn. Bởi vì, sau bữa cơm, mỗi người trong nhà chúng tôi lại đi về phòng mình và đóng cửa…"
Bạn trẻ Phan Huy Minh (SV Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội) thì cho rằng: “Với em, hạnh phúc giản dị lắm, đó là khi em được quây quần bên người thân yêu trong bữa cơm chiều, đó là đáp án ý nghĩa và sâu sắc về hạnh phúc. Bây giờ, chúng ta đều bận đi học, đi làm cả ngày, đến tối, trở về, nếu có mâm cơm gia đình, đó mới là lúc hai từ sum họp trọn vẹn ý nghĩa nhất”.
Còn với gia đình chị Trần Kim Oanh, bữa ăn gia đình thường xuyên diễn ra như sau: Mẹ cho các con ăn trước, mẹ đợi bố về ăn cùng hoặc bố về muộn thì mẹ ăn một mình sau đó. Bữa ăn chung khi về quê, cả nhà chờ nhau ăn, chia thành 2 góc riêng biệt cho trẻ con và người lớn. Chị Oanh chia sẻ: "Tôi đã có những ngày cảm thấy bình an khi cứ đều đều ăn cùng mọi người trong gia đình. Chúng tôi tắt tivi, hỏi nhau về bữa trưa, hỏi nhau về một ngày đã qua. Trước đây, cuối tuần tôi hay nấu ăn theo ý thích của đa số các thành viên trong gia đình, hoặc sẽ thay đổi món ăn. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy ăn như quy luật để tồn tại, vừa ăn vừa xem tivi, ăn cho xong bữa, ăn vội vì các kế hoạch khác. Tôi nghĩ về bữa ăn của gia đình mình hiện tại và thấy không hài lòng chút nào. Nếu không vì có trẻ con trong nhà, tôi thậm chí chẳng nghĩ đến bữa ăn nữa. Bữa ăn không có cảm giác thư giãn hay thụ hưởng. Nó đang lặp đi lặp lại nhàm chán, cũng vì ăn quá ít mà nhu cầu tổ chức bữa ăn gia đình cũng ngày một ít đi".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn