Tôi hiểu chứ! Nhưng vất vả không phải lý do khiến chúng ta ngừng yêu thương, ngừng sự quan tâm nhau hay thậm chí từ chối quyền được hạnh phúc. Giống như những người cha, người mẹ đầu tắt mặt tối kiếm tiền để sinh tồn, lo cho con ăn học nhưng rồi đứa trẻ đó nói là nó không được hạnh phúc. Ta mắng nó không biết nghĩ cho sự vất vả của cha mẹ mà đâu biết rằng trong suy nghĩ non nớt của nó, được thấy nụ cười của mẹ cũng là hạnh phúc. Hoặc chỉ đơn giản, ngồi chơi cùng nó, nghe nó huyên thuyên thôi là đủ để chúng ta trở thành "cha mẹ tớ rất tâm lý". Hôn nhân cũng vậy, nhiều khi hôn nhân cũng giống như một đứa trẻ vậy, nó chẳng mơ mâm cao cỗ đầy mới là hạnh phúc, "râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" vậy! Lãng mạn đâu cứ phải tặng nhau dây chuyền, đưa nhau vào nhà hàng hay tay trong tay dắt nhau đi dưới mưa mới là lãng mạn? Nuôi dưỡng hôn nhân đôi khi chẳng phải bằng việc cho hôn nhân đó được ăn no, mặc ấm bằng số tiền kiếm ra được đâu. "Giữ lửa" hôn nhân càng chẳng phải có nhiều tiền để đốt, để neo giữ ngọn lửa cháy thêm đâu.
Tôi hiểu chứ! 24 tiếng/ngày, 365 ngày/năm chúng ta dùng toàn bộ thời gian của mình, sức khoẻ của mình, tâm trí của mình cho việc làm sao bữa cơm này có thịt, thậm chí, bữa cơm này đủ gạo để thành cơm thay vì phải ăn cháo. Nên làm sao ta dám ngưng nghỉ giây phút nào nếu như ráo mồ hôi là tiền cũng ráo theo. Nhưng mà ai cũng cần được sạc đầy bởi người mà ta yêu thương mà. Là năm tháng kia đã qua sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Là vất vả nọ nếu choán hết tâm trí ta, nó sẽ biến ta thành ra cái gì?
Tôi sợ lắm những cuộc hôn nhân mà tiền làm bạc nó đi. Sợ lắm những phụ nữ trên môi chỉ chuyện tiền nong, gặp mặt chỉ thấy nếp nhăn từ những tiếng thở dài, từ những vất vả, từ những lo toan. Sợ cả những người đàn ông quẳng gánh nặng tài chính cho vợ. Sợ giùm cho cả những đứa con chỉ mong những điểm 10 sẽ giúp nó lớn nhanh hơn để kiếm ra tiền cho mẹ đỡ vất vả.
Không! Chẳng có cái nghèo nào mang đến hạnh phúc cả. Nhưng cũng chẳng có cái nghèo nào ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc. Thứ ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc chính là lòng chúng ta, tâm trí của chúng ta, nỗi tự ti của chúng ta.
Có một điều tôi muốn bạn nhớ và tin rằng: Nghèo là chuyện của hôm qua, hôm nay. Nó không phải là chuyện của ngày mai. Là nốt hôm nay ta nghèo, ngày mai nhất định ta sẽ khác hôm nay, tốt hơn hôm nay. Là bạn phải giữ được sự hy vọng thay vì mất lòng tin vào tương lai của mình. Muốn vậy, thứ bạn cần là lòng tin vào bản thân mình. Nếu ngay cả bản thân mình, bạn cũng không tin thì kiếp nghèo này mãi mãi chẳng bao giờ chấm dứt.
Đừng để tranh cãi của hai vợ chồng chỉ toàn chuyện tiền nong. Hãy cởi mở với nhau bằng những cuộc trò chuyện thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng cãi vã. Hãy trao đổi với nhau về tiền bạc. Đôi khi chuyện "nếu chúng ta có 1 tỷ chúng ta sẽ làm gì" cũng sẽ thành một sự lãng mạn khi hai vợ chồng gác chân lên nhau và cùng mơ mộng. Hơn cả giấc mơ nếu như thông qua đó, bạn hiểu hơn về bạn đời của mình, ước mơ của họ khi có tiền và cả điểm mạnh, điểm yếu của bạn đời về vấn đề tài chính. Rồi từ đó, hai vợ chồng có thể nói đến những vấn đề lớn hơn như làm thế nào để có 1 tỷ đồng, kế hoạch lập ngân sách, tiết kiệm và chi tiêu trong tương lai.
Khi hai bạn đã có đủ "thông số" về đối phương trong quan niệm tiền bạc, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra tiếng nói chung trong việc lên những kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn. Xây dựng các thói quen rà soát lại vấn đề tài chính của hai vợ chồng. Và quan trọng hơn, chúng ta đang có một mục tiêu chung để cùng nhau hướng tới. Hãy nhớ: Hai bạn là vợ chồng.
Hầu hết những cuộc tranh cãi về tiền bạc của các cuộc hôn nhân thường xảy ra ở việc thái độ chúng ta với tiền bạc bao gồm thái độ của chúng ta với cách tiêu tiền của bạn đời. Như bạn đời chi tiêu bốc đồng. Như những khoản nợ mà chúng ta đang phải gánh vì bạn đời. Thay vì chúng ta để cho mình bị cuốn đi theo cảm xúc tiêu cực đó, hãy chậm lại bằng việc nhớ: Chúng ta là một gia đình. Vì là một gia đình nên nỗi lo này sẽ là nỗi lo chung. Là đứng về phía nhau để cùng đối diện và chiến đấu thay vì chỉ mình bạn hoặc đổ cho bạn đời phải chịu.
Nhiều cuộc tranh cãi khác lại là việc một trong hai kiểm soát chi tiêu hoặc việc cho người thân vay tiền trong khi vợ chồng đang không dư dả về tài chính. Lúc này, việc của chúng ta là sự thành thật và thẳng thắn. Việc kiểm soát chi tiêu nếu vượt quá giới hạn nó sẽ trở thành bạo hành kinh tế. Vì thế, bạn nên nhìn nhận việc này như một vấn đề về sự an toàn của bạn. Liệu duy trì cuộc hôn nhân này có thực sự là cần thiết? Trong trường hợp này, kết thúc hôn nhân chính là quyết định hạnh phúc cho bạn. Bởi bạn đời của bạn chưa bao giờ quan tâm đến hạnh phúc của bạn.
Có thể năm 2024 sẽ còn vô vàn khó khăn đang đợi bạn. Như năm 2019, chẳng ai biết chúng ta sẽ phải trải qua thời Covid-19 kinh khủng như thế. Nên điều mà chúng ta cần làm để có thể rủng rỉnh trong năm 2024 vẫn là việc chúng ta quản lý được cuộc đời mình, hôn nhân của mình để nó đừng chỉ phụ thuộc vào việc ta có bao nhiêu tiền. Là một cuộc đời của bạn năm 2024 đáng sống, đáng chờ đợi thế nào. Ở đó, năm 2024, bạn sẽ trở thành một con người thế nào, hôn nhân này sẽ ra sao? Bạn sẽ tin vào bản thân để cho năm 2024 này thành nơi để bạn toả sáng chứ? Đồng vợ đồng chồng thì tốt mà ngay cả nếu chỉ là mình bạn đi chăng nữa cũng vẫn sẽ phải vậy, phải tốt hơn năm 2023.
Như tôi đã nói ở đầu bài, đây không phải là bài viết giúp bạn giàu có lên trong năm 2024 mà chỉ là cho bạn thấy việc bạn có thể giàu có lên trong năm 2024. Việc quyết định thuộc về bạn và người bạn đời mà bạn sẽ cùng chia sẻ câu chuyện này.
Chúc mừng bạn - phiên bản mới giàu có của năm 2024!
Theo kết quả khảo sát năm 2021 của hãng tư vấn tài chính - đầu tư toàn cầu Fidelity, 44% số người tham gia khảo sát nói rằng, họ thỉnh thoảng tranh cãi với bạn đời về tiền bạc, 1/5 trong số đó nói rằng đó là thách thức lớn nhất trong mối quan hệ của họ. 24% người tham gia nói, họ thường thất vọng với thói quen tài chính của bạn đời nhưng giữ im lặng để giữ hòa khí.
Theo một cuộc khảo sát khác của ET Wealth và tờ Economic Times, gần 39% người tin rằng việc nói dối bạn đời về tiền bạc là điều hoàn toàn bình thường, có 1/4 nói dối về thu nhập của họ. Dinesh Rohira, người sáng lập dịch vụ tài chính 5nance.com, cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng đều nói dối để tránh gây bất lợi hoặc bảo vệ tài chính của họ. Đàn ông thường nói dối hoặc che giấu thông tin nếu họ bị thua lỗ trong các khoản đầu tư hoặc kinh doanh, mắc nợ quá nhiều mà không thể trả được hoặc mua những món hàng có giá trị lớn.
Phụ nữ cũng cần học độc lập tài chính, hiểu về tài chính, quan tâm tích cực đến tài chính gia đình và nhận thức để tránh bị đối xử tệ bạc. Phải biết chồng đang đầu tư vào đâu và bạn có phải cùng trả nợ không, có tài sản chung hoặc đứng tên bạn không.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn