Nhiều vụ đuối nước thương tâm
Tại tỉnh Nghệ An, chỉ trong một ngày đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong. Cụ thể, vào sáng 23/5/2020, em N.T.P (11 tuổi) và em gái là N.A.T (9 tuổi) cùng trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, sau khi đi học về đã rủ nhau xuống ao tắm, không may bị đuối nước.
Cùng ngày, vào lúc 17h30, người dân đi tập thể dục phát hiện thi thể một bé gái nổi lên trên mặt hồ Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An). Nạn nhân được xác định là cháu Lưu Thị Ngọc A. (12 tuổi), trú tại khối 4 phường Cửa Nam, TP Vinh. Chiều tối 23/5, thi thể cháu A đã được người nhà đưa về làm thủ tục mai táng.
Vào khoảng 18h ngày 5/6, em V.T.S. và L.A.K. (học sinh lớp 2, trú Bản Chắn, huyện Tương Dương, Nghệ An), rủ nhau ra sông Lam câu cá. Đến tối cùng ngày, gia đình không thấy 2 em về nên tìm kiếm. Đến 21h cùng ngày, người thân tá hỏa thấy thi thể em K. dưới sông Lam. Hơn 3 giờ đồng hồ sau, người dân và lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em S.
Cùng ngày 5/6, thông tin từ UBND xã Nhân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn cũng vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khi em V.H.T. (SN 2009, trú tại xã Nhân Sơn) bị chết đuối khi đi bắt cua. Em T. gặp nạn khi đi bắt cua tại hố nước sâu hơn 3m do một công ty múc đất để lấy nước phục vụ xây dựng nghĩa trang. Tuy nhiên, hố nước này không có bất kỳ rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm nào.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính từ đầu năm đến ngày 5/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ đuối nước làm 15 trẻ bị thiệt mạng. Phần lớn những vụ đuối nước này xảy ra vào tháng 5. Đây chỉ là số liệu tính những nạn nhân chưa đầy 16 tuổi.
Việc dạy bơi vẫn dừng ở lý thuyết
Nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn các huyện, thành, thị phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai việc phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Đơn cử tại Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn, việc dạy bơi được thực hiện sau khi hoàn thành chương trình dạy học trên lớp mỗi ngày. Mỗi buổi học tập trung khoảng 15 em để việc hướng dẫn được cụ thể, do vậy chỉ sau khoảng 4 - 5 tuần là các em học sinh có thể tự bơi được. Hay như trẻ em lớp mẫu giáo 5 tuổi ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Hợp và các cô giáo tổ chức dạy bơi cùng các kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.
Thực tế, đó vẫn là những "mô hình điểm", còn phần lớn những gì học sinh nhận kiến thức học bơi trên... giấy. Vì hiện nay, phần lớn các trường thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng, cụ thể là thiếu bể bơi, chưa kể việc học các môn chính khóa chiếm hầu hết thời gian trong chương trình khiến những giờ học ngoại khóa chưa được quan tâm.
"Có những thời điểm qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy chương trình truyền thanh ở nhiều địa phương chưa dành thời lượng cho vấn đề phòng, chống đuối nước một cách đầy đủ, thậm chí có nhiều nơi hầu như không đề cập đến", ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Nghệ An, trăn trở.
Ngày 2/6, qua kiểm tra ở một số trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại các xã Nghĩa Hội, Nghĩa Trung, Nghĩa Bình... thuộc huyện Nghĩa Đàn, đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhận thấy, các nhà trường đã thực hiện khá nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và an toàn ở các trường học. Tuy vậy, qua kiểm tra, đoàn thấy còn có nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống đuối nước. Thực tế, địa bàn huyện Nghĩa Đàn rộng, lượng ao, hồ và đập trải đều trên địa bàn huyện. Vì thế, việc cắm các biển báo và dụng cụ cấp cứu đuối nước chưa được đầy đủ để đáp ứng khi có chuyện khẩn cấp xảy ra.
Tại một số ao, hồ dù đã được Đoàn thanh niên cắm biển cảnh báo nguy hiểm vì đang là mùa đánh bắt cá nhưng biển cảnh báo tại một số hồ đã bị gỡ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống đuối nước còn thiếu như áo phao, bể tập bơi... Việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn do phải phụ thuộc nguồn vận động xã hội hóa hoặc kinh phí địa phương. Bên cạnh đó, vào mùa khô, tình trạng khan hiếm nước thường xuyên xảy ra, không đủ để bể bơi hoạt động như Trường Tiểu học và THCS Nghĩa Trung...
Bởi vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh được xác định là một vấn đề lớn đối với gia đình, các cấp chính quyền và các ngành liên quan của địa phương. Chính vì thế, việc dạy bơi dù đang hết sức cấp thiết nhưng trên thực tế chủ yếu vẫn dừng lại ở lý thuyết và thiếu điều kiện để thực hành, trải nghiệm thực tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn