Người ta thật sự ghét bỏ virus này nhưng tất cả con người sống trên Trái đất đều là nạn nhân. Nếu không chung tay để hỗ trợ nhau qua đại dịch thì giống như bó đũa bị tách rời, con người rất dễ bị virus, vi khuẩn đánh bại.
Năng lượng tiêu cực
Có lúc nào, mở Facebook lên, bạn phải hủy kết bạn hoặc thậm chí chặn những người thường xuyên lớn tiếng chỉ trích hoặc chửi bới hay không? Tôi đã từng làm như vậy.
Người ta có nhiều lý do hoặc nhân danh điều gì đó để chửi bới, về bất cứ vấn đề gì đang diễn ra. Rất đồng ý rằng xã hội cần sự phản biện thì mới hoàn thiện được. Tuy nhiên sự phản biện không bao giờ có tác dụng và hiệu quả khi đồng hành với các hành vi và lời nói kém văn minh. Điều đó chỉ thể hiện tầm suy nghĩ nông cạn, hẹp hòi và thiếu hiểu biết.
Trước đây, khi Microsoft (DCI) công bố nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến vào Ngày Quốc tế an toàn internet (11/2) với kết quả Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia kém văn minh nhất, thì ngay lập tức cộng đồng mạng Việt Nam phản ứng bằng... các ngôn từ tục tĩu để phản đối kết quả này.
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan tới Việt Nam, các trạng thái lên án, chửi bới xuất hiện ngày càng nhiều hơn, có lẽ do người ta bị áp lực bởi sự lo lắng. Lần đầu tiên đối mặt với đại dịch nên nhiều người có lẽ chưa biết ứng xử thế nào với hoàn cảnh mới và có lẽ là có một không hai trong cuộc đời. Chính vì vậy, thái độ của đám đông bị chia rẽ rõ nét. Đa số lo lắng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đại gia đình, người thân. Số khác thì chủ quan, cho rằng virus viêm phổi cấp không nguy hại nhiều, số lượng người tử vong thấp hơn cả số lượng người bị tai nạn giao thông. Và số còn lại thì quá sức sợ hãi, sợ tới mức tiêu cực, nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy nguy cơ nhiễm bệnh và chết.
Với tâm lý đám đông, vốn hình thành từ nhiều sự ẩn ức khác nhau đã dẫn tới các cách thể hiện không tích cực. Năng lượng tiêu cực từ các lời chửi rủa, mạt sát trước nhiều vấn đề của thời bệnh dịch, đã đưa tới bầu không khí rất "thiếu ion" trong môi trường internet.
Người Việt có thực sự "ghê gớm" tới mức như vậy không, hay chỉ là chưa kịp thích nghi trước cuộc sống ào ạt thông tin trên mạng xã hội? Số lượng người phân biệt tin giả (fake news) hoặc hiểu thấu đáo về thông tin có đủ nhiều để dẫn dắt số đông?
Thực ra câu hỏi, cũng chính là câu trả lời.
Hãy sống nhân văn
Trước khi vào đại dịch Covid-19, làn sóng đánh dấu 1 sao vào trang của các doanh nghiệp hay nhà cung cấp dịch vụ nào đó, đã biểu hiện khá rõ nét của sự sa sút nghiêm trọng về đạo đức của người tham gia mạng xã hội. Chúng ta chưa thể quên khi ứng dụng AirVisual đưa các dữ liệu công bố "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới" trong khoảng thời gian cố định, thì 1 thầy giáo trẻ tại Hà Nội đã lên trang cá nhân phát động việc đánh giá ứng dụng này 1 sao.
Người dùng mạng xã hội cũng vẫn chưa quên 1 youtuber nổi tiếng chuyên đi review các resort đã kêu gọi người theo dõi tẩy chay khu nghỉ dưỡng khi không cảm thấy hài lòng. Chỉ trong thời gian ngắn, Ban giám đốc resort này đã "méo mặt" vì nhận thấy hàng ngàn lượt truy cập vào đánh giá 1 sao, kèm thêm nhiều lời lẽ kém văn minh, thiếu tinh thần xây dựng.
Khi chúng ta bước vào giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhiều người tham gia Facebook đã phẫn nộ khi được đọc các tin tức về người dân gốc Á tại nhiều quốc gia khác trên thế giới bị kỳ thị. Thậm chí có sinh viên gốc Việt bị thóa mạ tại trường học, có sinh viên người Singapore bị vô cớ hành hung trên đường phố tới mức vỡ xương mặt. Chúng ta không đồng ý về điều này, vì cảm thấy "chuyện bất bình giữa đường". Nhưng cũng ở câu chuyện tương tự, nhiều người Việt đã lớn tiếng và sử dụng các ngôn ngữ không đúng mực trên mạng, khi nói về những người Hàn Quốc hoặc Trung Quốc sống tại Việt Nam, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của dịch bệnh.
Virus Covid-19 gây viêm phổi xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó lan nhanh ra các nước trên thế giới, tạo ra sự khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội toàn cầu. Người ta thật sự ghét bỏ virus này nhưng tất cả con người sống trên trái đất đều là nạn nhân. Nếu không chung tay để hỗ trợ nhau qua đại dịch, thì giống như bó đũa bị tách rời, con người rất dễ bị virus, vi khuẩn đánh bại.
Mới đây, ông Kwon Sung Taek, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Hàn - Việt, đã viết 1 lá thư gửi cho Ban Quốc tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bày tỏ những lo ngại và sự tổn thương trước những lời lẽ kỳ thị người Hàn Quốc tại Việt Nam khi dịch bệnh Covid-19 tràn tới. Bức thư có đoạn: "... Hiện tại thì số lượng người được điều trị khỏi bệnh đang tăng với tốc độ rất nhanh. Nhưng kể cả sau khi mà hết bệnh thì những nỗi đau và vết thương của những người đó sẽ không hồi phục được dễ dàng. Không những thế, ngoài những nỗi đau mà bệnh virus đã gây ra, thì nó đã tạo ra một "bức tường", đại diện cho sự không tin tưởng và căm thù lẫn nhau giữa mọi người... Lần này, may mắn chúng tôi không trực tiếp bị nhiễm bệnh virus, nhưng chúng tôi có suy nghĩ rằng rất có thể chúng tôi chính là những người bị tổn thất nhiều nhất. Thứ nhất, chúng tôi không thể tự do qua lại Việt Nam cũng như không thể gặp những người bạn Việt Nam mà chúng tôi quý mến. Một điều nữa là mặc dù chỉ có một bộ phận nhỏ thôi nhưng những thông tin báo chí thiếu khách quan, không cân nhắc đến sự khác biệt về đời sống văn hoá giữa hai nước, cũng như đặc điểm, môi trường trong cách vận hành thể chế chính trị khác nhau tạo ra những hình ảnh đối lập của người dân hai nước trên mạng xã hội, không chừng đó chính là điều lo ngại có thể dẫn đến những tổn thương đáng sợ hơn cả việc nhiễm virus...
Trong cuộc đời của mình sẽ có những lúc mà điều mình không mong muốn xảy ra. Và điều quan trọng nhất khi nó xảy ra là mình khắc phục nó như thế nào. Bây giờ mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc không đơn thuần chỉ là mối quan hệ làm ăn. Tôi thực sự tin rằng mối quan hệ giữa hai nước là một mối quan hệ thân thiết như gia đình, rất đặc biệt và cùng giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.
Hiện tại có hơn 60.000 cô dâu Việt Nam đang sinh sống với gia đình của mình và khoảng 200.000 học sinh du học và lao động Việt Nam đang ở Hàn Quốc. Và cũng có hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc và khoảng 200.000 người Hàn Quốc hiện đang làm ăn và sinh sống ở Việt Nam... Nếu phía Việt Nam mà có sự khó khăn, cần sự giúp đỡ thì chúng tôi sẽ là người tiên phong đi trước. Và nếu phía Hàn Quốc mà có sự hiểu lầm về người Việt thì chúng tôi sẽ đóng vai trò giải quyết sự hiểu lầm đó và giúp họ hiểu rõ hơn với tư cách là cây cầu kết nối giữa hai nước.
Để làm được vai trò này thì chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan, đoàn thể của Việt Nam ở Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam cùng các hiệp hội người Hàn ở Việt Nam. Chúng tôi mong rằng tấm chân tình này của chúng tôi sẽ chạm đến được các bạn Việt Nam để tình hữu nghị, tình yêu giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng sâu đậm hơn trước...".
Bức thư tâm huyết, chân thành của ông Kwon Sung Taek đã khiến những người sử dụng mạng xã hội cần suy nghĩ thấu đáo hơn, trước khi dùng tay gõ bàn phím. Dù thời chiến hay thời bình, dù khi đang an yên hay phải đối mặt với dịch bệnh, tình cảm giữa con người với con người mới chính là cốt lõi để tiến tới sự văn minh. Nếu giải tỏa các ẩn ức bằng các ngôn từ và hành vi kém văn minh thì đồng nghĩa với việc tiệm cận với sự tử tế còn quá xa vời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn