Chris Adigun, bác sĩ da liễu ở Bắc Carolina kiêm người phát ngôn của Tổ chức Ung thư Da liễu cho biết, ngay cả khi không ra ngoài trời và chỉ nhìn thấy ánh nắng qua cửa sổ trong nhà, bạn vẫn cần bảo vệ làn da của mình khỏi tia cực tím. Tia UVA, chiếm 95% trong ánh nắng mặt trời chiếu xuống mặt đất, có thể đi qua cửa sổ và tiếp xúc trực tiếp với da, từ đó gây ung thư da.
Tia cực tím có thể tác động tới da dù bạn ở trong nhà
Theo Hadley King, bác sĩ da liễu kiêm giảng viên khoa da liễu tại Đại học Cornell, UVA có liên quan đến sự lão hóa của tế bào da và xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang. Trong khi đó, tia UVB là nguyên nhân chính gây cháy nắng, làm phá hủy ADN trong tế bào, dẫn tới các bệnh về da.
Trên thực tế, kính thường được sử dụng trong cửa sổ xe hơi, nhà riêng và văn phòng được thiết kế để chặn hầu hết các tia UVB nhưng không có khả năng bảo vệ bạn khỏi tất cả các tia UVA. Vì vậy, ngay cả khi ở trong nhà, nếu ngồi gần cửa sổ, bạn vẫn có nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím và chịu tác động tiêu cực từ ánh nắng mặt trời.
Hiện nay, rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng không cần bôi kem chống nắng khi ở nhà. Bác sĩ Adigun cho biết: “Tia UVA sẽ không gây hại nếu bạn ở trong một căn phòng tối không có cửa sổ”.
Trên thực tế, ngay cả khi làm việc tại một không gian không có cửa sổ lẫn không có ánh sáng mặt chiếu trời trực tiếp, bạn vẫn có thể hưởng lợi từ việc thoa kem chống nắng. Điện thoại, máy tính xách tay, TV, thậm chí cả bóng đèn LED phát ra ánh sáng xanh, hay còn gọi là ánh sáng năng lượng cao (HEV), có thể ảnh hưởng đến sức khỏe da.
Ánh sáng này góp phần gây lão hóa da sớm, tăng sắc tố và làm nám da. Cả HEV và tia cực tím từ ánh nắng mặt trời đều có thể tạo ra các gốc tự do, dẫn tới hiện tượng mất cân bằng oxy hóa, khiến các tế bào sản xuất enzim phá vỡ collagen và elastin trong da. Tuy nhiên, HEV không nguy hiểm bằng các tia UV do không có khả năng gây ung thư.
Biện pháp bảo vệ da ở nhà
Vậy làm thế nào để bảo vệ làn da khi ở nhà? Việc làm đầu tiên là bôi kem chống nắng. Về cơ bản, hãy thường xuyên thoa sản phẩm này lên mặt, cổ, tay và những khu vực có nguy cơ cao phải tiếp xúc với tia cực tím.
Mọi người nên lựa chọn loại có hiệu quả nhất. Cụ thể, hãy dùng kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ da toàn diện khỏi cả hai tia cực tím UVA và UVB. Hơn nữa, bạn đừng quên lưu ý tới chỉ số SPF và tốt hơn hết nên sử dụng loại có chỉ số này hơn 30.
Tần suất dùng kem chống nắng phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Nếu bạn làm việc ở gần cửa sổ, hãy bôi vài giờ một lần. Mọi người hãy hạn chế ngồi ở những khu vực có ánh nắng và nếu có khả năng, đừng quên đóng rèm cửa sổ.
Ngoài ra, theo bác sĩ Adigun, lựa chọn sản phẩm phù hợp cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Nếu không thích mùi hoặc cảm thấy khó chịu khi bôi kem chống nắng, bạn sẽ ít khi sử dụng chúng. Hãy đảm bảo che phủ tất cả các khu vực da tiếp xúc với ánh nắng bằng một lượng kem phù hợp. Trên thực tế, theo thống kê của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), rất nhiều người không sử dụng sản phẩm này đúng cách và chỉ dùng khoảng 20-25% lượng kem chống nắng cần thiết để bảo vệ da.
Trong trường hợp phải tiếp xúc thời gian dài với các thiết bị điện tử có HEV, mọi người hãy tìm tới loại kem chống nắng chứa kẽm oxit. Khoáng chất này hoạt động như gương phản chiếu ánh sáng, chống lại HEV và bảo vệ da hiệu quả.
Theo TheHealth
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn