Cách đây 7 năm, Đinh Thị Lý đã khởi tạo một dịch vụ công nghệ mang tên "Nữ hoàng SEO" và tuyển dụng một số thành viên khuyết tật làm dự án liên quan đến website. Trung bình mỗi tháng, Lý ký được khoảng 1-2 dự án và tạo việc làm cho 3-4 người khuyết tật tham gia với các công việc phù hợp như viết bài, đăng bài, chỉnh sửa ảnh, quảng bá online.
Đinh Thị Lý bị khuyết tật bẩm sinh về chiều cao, sức khỏe yếu. Sinh ra là con út trong gia đình nông thôn có 4 chị em gái, Lý lại bị khuyết tật nên không thể làm tốt công việc chân tay, vì thế cô quyết định tập trung vào việc học. Suốt thời gian từ tiểu học lên đến trung học phổ thông, Lý đều phải có bố mẹ đưa đi học vì mình quá nhỏ bé, yếu ớt. Cản trở lớn nhất đối với Lý là về chiều cao nên đi học rất khó khăn. Lúc ngồi trên ghế nhà trường thì cô phải nhờ thầy cô làm giúp cho cái ghế cao hơn để có thể nhìn thấy bảng. Càng lớn, cân nặng cơ thể càng tăng lên thì Lý lại càng khó khăn với việc di chuyển. "Mình cũng từng phân vân sau này không biết mình học gì cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Thế rồi mình tự phấn đấu và chọn ngành công nghệ thông tin để bước vào đại học," Lý chia sẻ.
Và vì khiếm khuyết chiều cao, Lý quyết định phải tự làm cho mình "cao" hơn bằng cách vượt lên chính bản thân mình, trở thành một "phiên bản" tốt hơn. Trước hết là để cho bố mẹ không quá lo lắng, thứ hai là để có cuộc sống tự lập.
Lý lạc quan nghĩ: "Người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh. Nếu như mình thay đổi chính bản thân mình và thay đổi được cách nhìn của những người xung quanh thì mình cũng có thể hòa nhập lại đối với cộng đồng".
Lúc Lý thi đỗ đại học, mẹ cô đã bỏ công việc bán hàng suốt 15 năm ở quê để đồng hành cùng con trong suốt 4 năm đại học. Bố cô thay mẹ làm công việc ở quê nhà để gửi tiền nuôi con đi học. Các chị gái cũng hết lòng yêu thương và nhường nhịn, tạo mọi điều kiện để cô em gái bé nhỏ đạt được ước mơ đại học. "Lúc đó mình nghĩ vì bố mẹ và các chị nên phải phấn đấu nhiều hơn nữa, ít nhất là có thể tự lo được cho bản thân mình sau khi tốt nghiệp, hoặc là trong tương lai. Mình không ngờ rằng kết quả sau này mình đã gặt hái được lại là giấc mơ có thật" -Lý chia sẻ.
Bằng tất cả ý chí và nhiệt huyết, cô gái chỉ cao 93cm ấy đã tốt nghiệp đại học và tự sáng lập một dịch vụ kinh doanh online. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân có thu nhập, sống tự chủ, Lý còn tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật với công việc online phù hợp.
Để truyền cảm hứng cho người khuyết tật, Lý còn tham gia chương trình giảng dạy online về SEO cho hơn 100 người khuyết tật khác và chọn người phù hợp để cùng tham gia dự án. Với mong muốn có thêm kiến thức để hỗ trợ nhiều hơn những người khuyết tật, Lý quyết định tìm đến học bổng tại Úc. "Mình biết đến chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards Scholarships) khi nghe gợi ý về con đường du học từ anh Giáo sư tập sự, trưởng nhóm nghiên cứu mạng Internet vạn vật - Trường Đại Học Soongsil, Hàn Quốc - Đinh Ngọc Thạnh và xem một số chia sẻ của các anh chị cựu sinh viên khuyết tật đã đi du học về. Trước đây, mình chưa bao giờ nghĩ đến việc đi du học, bởi vì khó khăn về sức khỏe, điều kiện cũng như sự khiếm khuyết của bản thân. Sự chia sẻ của các anh chị đi trước đã tiếp động lực để mình chinh phục học bổng", Đinh Thị Lý cho biết.
Khó khăn lớn nhất của Lý khi chinh phục học bổng chính là trình độ ngoại ngữ. Cô đã phải luyện tiếng Anh suốt một năm tại Đại học RMIT để bổ sung về ngôn ngữ.
Cho đến lúc này, cô đã đến với Đại học La Trobe, trau dồi kiến thức để trở về thực hiện những ước mơ, khát khao của mình. Học bổng Chính Phủ Australia hỗ trợ và tạo điều kiện học tập lý tưởng cho các sinh viên khuyết tật - bên cạnh các quyền lợi giống như các học viên khác, Lý còn được tài trợ thêm một người thân cùng đồng hành chăm sóc, hỗ trợ ứng cô trong suốt quá trình học tập tại Úc. Bên cạnh đó chương trình cũng sẽ mời chuyên gia đánh giá và cung cấp phương tiện đi lại phù hợp dành riêng cho ứng viên khuyết tật, thúc đẩy quá trình sống độc lập và vươn lên trong cuộc sống. Từ nay, cô bắt đầu một hành trình mới và từ đó có thể giúp đỡ được nhiều hơn nữa những bạn trẻ khuyết tật để họ có một cuộc sống tự lập, bình đẳng và ý nghĩa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn