Dùng mật ong chữa đau họng có được không?

14:20 | 08/10/2022;
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm nên rất hữu ích trong việc làm giảm triệu chứng đau họng. Vậy dùng mật ong chữa đau họng như thế nào?

Đau họng là tình trạng phổ biến và thường không có gì đáng lo ngại. Trong hầu hết các trường hợp, đau họng sẽ thuyên giảm trong vòng một tuần. Nhưng bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây khó chịu cho người bệnh nên cần được cải thiện sớm.

Dùng mật ong để giảm đau họng là phương pháp tự nhiên và khá hiệu quả. Mật ong có nhiều tác dụng như chống oxy hoá, chống viêm, ung thư, đái tháo đường,… đặc biệt có tác dụng kháng khuẩn nên rất hiệu quả trong việc làm giảm đau họng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bạn nên sử dụng mật ong nếu đau họng và kèm theo đó là cảm giác ho.

Tuy nhiên, không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi uống mật ong. Vì mật ong có thể mang vi khuẩn, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như Clostridium botulinum.

1. Dùng mật ong chữa đau họng được không?

Khi bị đau họng, người bệnh gặp một vài triệu chứng như cổ họng đau, đặc biệt là khi nuốt; cổ họng khô và ngứa; đỏ ở sau miệng; hơi thở hôi; ho nhẹ; sưng tuyến cổ.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng là do nhiễm virus. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm liên cầu khuẩn nhóm A, dị ứng và hút thuốc.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng, mật ong có thể giúp giảm đau họng do đặc tính kháng khuẩn và làm lành vết thương.

Một số tác giả trong các nghiên cứu nói rằng, mật ong có thể hiệu quả hơn nhiều loại kháng sinh thông thường chống lại vi khuẩn, bao gồm cả tụ cầu vàng kháng methicillin. Điều này cho thấy rằng mật ong có thể được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh chống lại vi khuẩn kháng thuốc.

Dùng mật ong chữa đau họng có được không? - Ảnh 1.

Mật ong có tính kháng khuẩn nên có thể làm giảm triệu chứng đau họng (Ảnh: Internet)

Ngoài đặc tính kháng khuẩn, mật ong có nhiều công dụng khác như:

1.1. Chất chống oxy hoá

Mật ong cũng được biết đến với đặc tính chống oxy hóa. Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp, chất chống oxy hóa là các chất tổng hợp hoặc tự nhiên có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm một số loại tổn thương tế bào như tiểu đường loại 2, bệnh tim, lão hoá,…

1.2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Theo một đánh giá, mật ong có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện mức độ mỡ trong máu, điều hòa nhịp tim và ngăn chặn những tổn thương đến các tế bào khỏe mạnh. Từ đó, có thể cải thiện chức năng tim và sức khỏe của bạn.

Ngoài ra, mật ong thô thường chứa keo ong có thể cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính.

1.3. Điều trị vết thương

Mật ong đóng một vai trò trong việc đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.

Hơn nữa, mật ong hỗ trợ điều trị các tình trạng da khác như bệnh vẩy nến và tổn thương mụn rộp, bị bỏng. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nặng vẫn cần thăm khám và điều trị theo phác đồ từ bác sĩ.

2. Cách dùng mật ong để làm giảm đau họng

Có rất nhiều cách dùng mật ong để làm giảm đau họng tại nhà như:

- Mật ong nguyên chất: Các bạn chỉ cần dùng một muỗng mật ong pha cùng với một ly nước ấm. Mỗi ngày uống một ly đến khi cổ họng đã dịu nhẹ và giảm đau.

- Dùng mật ong pha với nước chanh ấm: Mật ong, nước chanh đều có đặc tính kháng khuẩn, giúp giảm viêm, làm dịu cơn đau, rát cổ họng. Các bạn chỉ cần dùng một muỗng mật ong pha cùng với một cốc nước ấm, vắt thêm nửa quả chanh là có thể thưởng thức.

Dùng mật ong chữa đau họng có được không? - Ảnh 2.

Mật ong và chanh đều giúp giảm viêm, làm dịu cơn đau họng (Ảnh: Internet)

- Trà gừng mật ong: Gừng có chứa hợp chất gingerols và shogaols, có đặc tính chống viêm. Vì vậy, khi pha mật ong với nước gừng có thể giúp làm giảm cơn đau họng hiệu quả. 

Cách thực hiện rất đơn giản, các bạn giã nát gừng đã được làm sạch, sau đó pha với nước ấm, cuối cùng thêm một muỗng mật ong là có thể sử dụng. 

3. Một vài biện pháp khác khắc phục tình trạng đau họng

Ngoài việc dùng mật ong để hỗ trợ làm giảm cơn đau họng, mọi người có thể áp dụng một số cách sau:

- Súc miệng với nước muối: Mỗi ngày các bạn súc miệng với nước muối 2 lần/ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ giúp diệt vi khuẩn, giảm đau và làm lỏng chất nhầy. Lưu ý, nên pha ½ thìa muối với khoảng 250ml nước ấm rồi súc miệng.

- Sử dụng các loại trà: Nhiều loại trà cũng có thể làm dịu cơn đau họng của bạn bằng cách giảm đau, giảm viêm hoặc chống lại vi khuẩn như trà bạc hà, trà mâm xôi, trà hoa cúc, trà xanh, trà đinh hương, …

Dùng mật ong chữa đau họng có được không? - Ảnh 3.

Súc miệng nước muối hàng ngày sẽ tiêu diệt vi khuẩn, giảm đau họng (Ảnh: Internet)

- Quất (tắc) chưng với đường phèn: Quất có tính ấm, tác dụng giải cảm, nhuận phế và tiêu đờm, được sử dụng để giảm ho có đờm và khàn tiếng. Đường phèn có công dụng thanh nhiệt và nhuận phế. Khi kết hợp 2 nguyên liệu này với nhau sẽ giúp giảm đau họng, ho hiệu quả.

- Dùng tỏi: Trong tỏi có chứa hoạt chất Allicin, có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm nên có thể giúp làm giảm triệu chứng đau họng. Các bạn có thể ăn tỏi sống, cho vào các món ăn, ngâm tỏi với mật ong, …

4. Một số lưu ý khi dùng mật ong làm giảm đau họng

Để đảm bảo dùng mật ong làm giảm các cơn đau họng hiệu quả, mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau:

- Mật ong chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị đau họng, không thay thế được các chỉ định điều trị của bác sĩ. Vì vậy, nếu gặp tình trạng đau họng nghiêm trọng, liên quan đến bệnh lý, các bạn nên dùng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Dùng mật ong để làm giảm đau họng cần kiên trì thực hiện mới thấy được hiệu quả.

- Nên dùng mật ong nguyên chất.

- Không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

- Nên kết hợp với nhiều phương pháp khác như bổ sung đầy đủ nước, chế độ ăn giàu dưỡng chất và vitamin, hạn chế chất kích thích, vận động thể dục thường xuyên,… để làm giảm triệu chứng đau họng một cách hiệu quả và nhanh chóng. 

Nhìn chung, khi bị đau họng, mọi người có thể dùng mật ong để làm giảm các cơn đau, dịu họng. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hơn một tuần và không thuyên giảm với các biện pháp điều trị tại nhà, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn hướng điều trị phù hợp. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn