Chỉ còn 2-3 năm nữa là tôi đến tuổi nghỉ hưu. Bình thường, nhìn các bạn trẻ trong phòng chăm chỉ làm việc, sáng tạo không ngừng, tôi thường không giấu được nụ cười. Ít nhất, tôi cũng góp phần để các em, các cháu tiến bộ hơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng khiến tôi hài lòng như vậy. Trong phòng tôi có một bạn trẻ, mỗi lần nhìn thấy cô ấy, tôi lại thấy buồn nhiều hơn vui. Đó là Quỳnh, người đã làm việc ở công ty gần 4 năm.
Hồi đầu, tôi đánh giá Quỳnh là cô bé có tiềm năng để phát triển. Hồ sơ xin việc của Quỳnh đẹp như mơ. Cô cũng xuất sắc vượt qua mấy vòng thi để khẳng định vị trí trong danh sách ứng viên top đầu. Tuy nhiên, khi vào làm việc, Quỳnh lại không thể hiện được khả năng như tôi nghĩ.
Trong công việc, tôi để ý thấy Quỳnh chưa một lần dám trái ý mọi người trong phòng, trái ý lãnh đạo càng không, dù rõ ràng trong cuộc nói chuyện ngoài lề, cô có ý kiến khác và tôi thấy ý kiến của cô cũng khá hợp lý.
Ngay từ những ngày đầu, Quỳnh đã cho mọi người thấy cô nhanh nhẹn và biết việc đến thế nào. Máy in tắc giấy, không in được, không chờ gọi bộ phận kỹ thuật, cô thao tác nhoay nhoáy và trong chốc lát máy lại in rào rào. Máy cà phê mới được công ty trang bị, hầu như không ai biết sử dụng. Vậy là Quỳnh lại có cơ hội thể hiện khả năng của mình. Đối tác gọi mời người trong phòng đến trao đổi, trời mưa to, ai cũng ngần ngừ vì ngại đi. Quỳnh xung phong đi luôn, khiến ai nấy đều hỉ hả...
Tính cách này giúp Quỳnh nhanh chóng hòa đồng với mọi người nhưng cũng mang đến cho cô nhiều rắc rối. Lúc đó, tôi từng nghĩ "cô bé này quả là dễ thương, kiến thức nền tốt, nếu được bồi dưỡng chắc chắn sẽ rất khá". Nhưng, giờ thì đã qua gần 4 năm làm việc, tôi biết sẽ rất khó để Quỳnh có thể đảo ngược tình thế.
Hiện tại, cô vẫn như con rối trong phòng, vẫn niềm nở mỗi khi ai đó nhờ vả hoặc sai vặt. Chỉ cần ai đó gọi "Quỳnh ơi!" là cô sẵn sàng bỏ dở việc đang làm để chạy lại và nhiệt tình giúp đỡ. Không phải riêng tôi, mà nhiều đồng nghiệp khác đã nhẹ nhàng góp ý, mong Quỳnh thay đổi cách sống "coi cả thế giới là tri kỷ, người thân" đó nhưng cô bé chỉ nhoẻn cười và ngơ ngác như thể chúng tôi đang nói đùa.
Hơn hai mươi năm làm việc, tôi gặp không ít người giống Quỳnh, rất hiền lành, tử tế và hầu như không bao giờ dám nói "không" khi có ai đó "nhờ" việc gì đó. Quỳnh không ý thức được rằng, với tính cách này, dù cô có cố gắng làm việc cũng không ai ghi nhận sự nỗ lực của cô. Thậm chí, có những ý tưởng của Quỳnh bị người khác biến thành của mình công khai ngay trước cuộc họp, cô cũng chỉ ấm ức một lúc rồi... bỏ qua.
Tôi thực sự thấy tiếc cho Quỳnh. Nếu cô tiếp tục cách sống này, lúc nào cũng "hớn hở" với sự sai bảo của đồng nghiệp trong mấy chục năm làm việc còn lại, mọi người sẽ không còn ai nhận ra giá trị đích thực của cô, những kết quả mà cô có thể mang lại cho công việc nếu được tạo điều kiện.
Cá nhân tôi đã nghĩ, trước khi nghỉ hưu, tôi sẽ gửi tới Quỳnh một bức thư, mong cô sẽ mãi là một người tốt bụng nhưng cũng là người biết trân trọng bản thân mình. Chỉ như thế mới không còn đồng nghiệp tìm cách lợi dụng hoặc sai bảo Quỳnh như từ trước tới nay họ vẫn làm.
Tôi cũng mong Quỳnh sẽ trở thành một cô gái mạnh mẽ và vui vẻ, tìm thấy niềm vui trong công việc, chứ không phải để đồng nghiệp xung quanh sai khiến hết ngày này sang tháng khác. Ngày Quỳnh có thể mạnh dạn nói ra ý kiến và quan điểm của mình mà không lo sợ sẽ làm mất lòng ai, ngày đó Quỳnh sẽ thay đổi. Tôi rất mong ngày đó sớm đến với Quỳnh và với những cô gái ngại nói "không" giống như Quỳnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn