Dùng thảo dược thay đổi cuộc đời những phụ nữ yếu thế

22:38 | 24/06/2018;
Đạt giải Ba cuộc thi Thử thách Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo Xã hội (VYSI Challenge) 2018 nhờ sản phẩm từ quả bồ kết nhưng nhiều người lại thấy, sức hấp dẫn từ sản phẩm này đến từ tấm lòng của chủ nhân ý tưởng, Nguyễn Thị Liên, cô gái sinh năm 1989.
phu-nu-hxt-an-duong.jpg
Liên đặc biệt quan tâm nhiều đến việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhóm những phụ nữ yếu thế tại HTX An Dương (Hải Phòng) - đây là nơi tập trung những người phụ nữ neo đơn, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NVCC 

 

Theo đuổi ước mơ thảo dược vì phụ nữ yếu thế

Nguyễn Thị Liên sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Liên vốn là người thích sáng tạo, sáng chế, dù đó không phải điểm mạnh của cô. Cách đây 5 năm, Liên bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm thảo dược.

Năm 2015, Liên triển khai làm sản phẩm gối thảo dược. Năm 2017, cô thành lập công ty sản xuất sản phẩm mặt nạ thảo dược. Trong việc sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm, Liên là người cầu toàn và kỹ tính. Toàn bộ các công thức, quy trình đều được bộ phận nghiên cứu, phát triển sản phẩm có chuyên môn thực hiện và được thông qua viện kiểm nghiệm.

Ý tưởng sáng tạo “Liên Ý - sản phẩm dược liệu kết nối nông dân và hợp tác xã phụ nữ” hình thành từ quá trình làm việc trải nghiệm thực tiễn của bản thân Liên. Cô luôn nung nấu ý định phải biến nó thành hiện thực, không phải chỉ vì chất lượng sản phẩm mà còn vì yếu tố tác động xã hội cao. Đây cũng chính là điểm cộng để Liên đạt giải Ba trong cuộc thi VYSI Challenge 2018.

trao-i-cng-ngi-dn-o-ct-b.jpg
Nguyễn Liên (phải) trò chuyện cùng người dân ở Cát Bà - Ảnh: NVCC 

 

“Mình quyết định tham gia cuộc thi này vì xác định đây là cơ hội tốt để giới thiệu dự án, tìm kiếm các nguồn lực giúp hỗ trợ thúc đẩy dự án để có thêm hy vọng cho những phụ nữ yếu thế, những người nông dân trồng và khai thác dược liệu quê mình cải thiện đời sống, bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên sinh thái bản địa”, Liên chia sẻ.

Sản phẩm dược liệu kết nối nông dân và hợp tác xã phụ nữ còn được trao giấy chứng nhận Dự án Trao quyền cho phụ nữ. Liên chia sẻ, trong cuộc sống, hay khởi nghiệp, phụ nữ luôn gặp nhiều khó khăn hơn nam giới nhưng không có nghĩa là phụ nữ không thể thành công. Các hoạt động trong dự án của chúng tôi đều hướng đến đối tượng là phụ nữ với mong muốn có thể xóa bỏ mọi rào cản về giới, mặc cảm bản thân, trao quyền giúp người phụ nữ phát huy tiềm năng của họ, tự tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Đối với nhóm phụ nữ yếu thế thì điều này càng có ý nghĩa quan trọng. Trong dự án Liên Ý, ngoài các đối tượng phụ nữ hưởng lợi khác, Liên đặc biệt quan tâm nhiều đến việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhóm những phụ nữ yếu thế tại HTX An Dương, Hải Phòng. Đây là nơi tập trung những người phụ nữ neo đơn, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

“Qua những năm tháng làm việc cùng họ, chứng kiến những mặc cảm, thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của những người phụ nữ yếu thế ấy khiến tôi trăn trở rất nhiều trong việc làm thế nào để bản thân mình vững vàng, làm thế nào có thể hỗ trợ họ một cách bền vững. Dự án Liên Ý là một giải pháp để tôi có thể thực hiện được niềm mong mỏi này”, Liên bày tỏ.

Khó nhất là sắp xếp ổn thỏa thời gian giữa đam mê công việc và gia đình

Từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm cao gội thảo dược Cát Bà - tham dự VYSI Challenge 2018 - Liên dành hơn 1 năm để chăm chút “đứa con” này, song song với việc dành thời gian chăm sóc con gái bé bỏng nay mới 5 tuổi.

nguoi-dan-thu-hai-bo-ket-cat-ba.jpg
Người dân thu hái bồ kết ở Cát Bà - Ảnh: NVCC

 

Trong hành trình biến ý tưởng của mình thành hiện thực, Liên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ thấy nản lòng vì nghĩ khó khăn là điều tất yếu, vấn đề là tìm cách giải quyết khó khăn đó như thế nào.

“Nhờ có nền tảng trước đó nên những khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn luôn có nhưng không làm mình nản lòng. Cái khó nhất là việc sắp xếp thời gian giữa đam mê công việc và gia đình sao cho ổn thỏa.

Trong kinh doanh, sản phẩm tốt là một yếu tố lõi quyết định thành công. Để đưa ra thị trường một sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận bắt buộc phải tập trung rất nhiều công sức. Làm đi làm lại, không ngừng nghỉ trong khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nghiên cứu thị trường cho đến công thức”, Liên tâm sự.

 

lin-gii-thiu-sn-phm-vi-lnh-o-thnh-ph-hi-phng.jpg
Nguyễn Liên (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo TP. Hải Phòng - Ảnh: NVCC

 

Cao gội thảo dược Cát Bà của Liên Ý có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên từ huyện đảo Cát Bà. Đây là sản phẩm dùng để gội đầu dành cho những người gặp vấn đề về tóc và da dầu như rụng tóc, bạc tóc, gàu, ngứa, có da đầu dễ mẫn cảm hay những người muốn sử dụng sản phẩm gội đầu có nguồn gốc tự nhiên nhưng cần nhanh gọn, hiệu quả, không phải kỳ công chuẩn bị nồi nước gội đầu như xưa.

Hiện tại, sản phẩm cao gội thảo dược Cát Bà đã bắt đầu được tung ra thị trường. Tuy nhiên, Liên vẫn đang đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển tối ưu sản phẩm hơn nữa để khách hàng được hưởng lợi nhiều nhất.

Bên cạnh đó, cô gái trẻ này cũng tập trung phát triển các sản phẩm làm đẹp - chăm sóc sức khỏe từ thảo dược, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc thảo dược bản địa hoàn toàn tự nhiên.

Lời khuyên của Nguyễn Liên dành cho những bạn nữ muốn bắt đầu khởi nghiệp bằng những ý tưởng gần gũi với cuộc sống: “Đừng chờ tới khi có tất cả mọi thứ thuận lợi rồi mới khởi nghiệp vì sẽ không bao giờ có điều đó. Hãy học hỏi, hành động và đừng bỏ cuộc dễ dàng”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn