Dùng thuốc tránh thai thế nào để tránh ung thư vú

12:00 | 26/06/2016;
Thuốc tránh thai là biện pháp kế hoạch hiệu quả, được nhiều phụ nữ sử dụng. Gần đây có những thông tin cho rằng uống thuốc tránh thai quá lâu có thể gây ra ung thư, khiến chị em hoang mang.
Dễ mang thai nên khi đã sinh đủ hai con, chị Lê Thu Trang (Hà Nội) rất sợ bị vỡ kế hoạch. Vợ chồng đang tuổi ‘sung sức’, vậy mà mỗi lần gần gũi cả hai lại phải rón rén, lo lắng… Trước đó, để tránh thai, chị Trang cũng nói chồng dùng bao cao su, nhưng chồng chị rất ‘lười’ sử dụng. Nhiều khi chỉ đến ‘cuối công đoạn’, anh mới lôi ‘áo’ ra mặc, trong khi nguy cơ dính bầu thì có thể đến từ bất cứ giai đoạn nào của cuộc ‘yêu’. Tình trạng này khiến chị trang nhiều lần thót tim vì ngày đèn đỏ đến trễ hơn thường lệ…
Cuối cùng để an toàn, chị Trang đành mua thuốc tránh thai về uống. Tuy nhiên, từ khi dùng thuốc, chị Trang bị nhiều tác dụng phụ như: Nhức đầu, buồn nôn, thay đổi tâm trạng, căng và đau bầu ngực… Đặc biệt, khi lên mạng tìm kiếm các thông tin về thuốc tránh thai, chị Trang càng hoang mang hơn khi có thông tin dùng thuốc tránh thai có thể gây nguy cơ ung thư vú và cổ tử cung…
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phòng khám Sản khoa-Nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà, cho biết, quá trình khám bệnh, bản thân bác sĩ từng gặp không ít trường hợp như chị Trang.
Trên thị trường hiện có 2 loại thuốc tránh thai chính là: Loại chứa 1 thành phần progesteron và loại phối hợp 2 thành phần estrogen và progesteron.
Do thuốc tránh thai chứa một lượng hormone nên ở một số phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày có thể bị các tác dụng phụ: Buồn nôn, thay đổi tâm trạng, trầm cảm, cơ thể bị giữ nước, căng đau bầu ngực, giảm tiết dịch gây khó khăn cho quan hệ vợ chồng…
Mặt khác, từ lâu y văn ghi nhận nội tiết là một trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, mô vú, mà trong thuốc tránh thai hàng ngày ngoài nội tiết tố estrogen còn chứa progestin (một dạng tổng hợp của nội tiết tố nữ progestorone). Điều này khiến thuốc tránh thai bị coi là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ.
238688107.jpg
Chị em nên tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tránh thai
Thực tế, trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dùng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, thường xuyên trên 5 năm làm tăng khả năng mắc ung thư vú lên 1,5 lần, trên 10 năm tăng lên 2 lần so với người không dùng. Tuy nhiên, cũng theo các nghiên cứu này, nếu dừng không dùng sau 5 năm, thì nguy cơ mắc bệnh sẽ trở lại giống như người bình thường.
Bên cạnh đó, để tránh các tác dụng không mong muốn, thuốc tránh thai cũng được khuyến cáo không được dùng hoặc khi dùng phải cẩn trọng nếu người dùng mắc các bệnh như: Tim, gan, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc từng bị viêm tắc tĩnh mạch; bị chứng đau nhức nửa đầu, từng bị ung thư hoặc nghi ngờ có thể bị ung thư, có khối u lành tính ở vú, ở tử cung hay buồng trứng...
Cũng theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, yếu tố nội tiết chỉ là 1 trong số rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Bởi bệnh ung thư vú có liên quan tới những yếu tố nội sinh như: Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 13 tuổi) và tắt kinh muộn (sau 50 tuổi); phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi; phụ nữ không sinh con lần nào hoặc không cho con bú; trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú; hoặc do đột biến gen BRCA1 và BRCA2…
Thậm chí, trong nhiều nghiên cứu, khoa học đã cũng ghi nhận là estrogen lại giúp người dùng ít có nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung hơn phụ nữ không dùng thuốc…
Bởi thế, chị em không nên coi thuốc tránh thai là ‘tội đồ’ gây bệnh và tốt hơn, trước khi dùng thuốc, chị nên kiểm tra sức khỏe và tham vấn, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh các nguy cơ bệnh tật do tác dụng phụ của thuốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn