Dùng tiền dự án mở đường vào 'đất quan'

06:30 | 22/07/2016;
Người dân xã Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa) hiện vẫn phải đi lại trên những con đường đất lầy lội. Thế nhưng tại đây lại có con đường bê tông dài hơn 2,3 km chạy đi thẳng vào khu rừng 200 hecta của cán bộ dù đoạn đường này chỉ có vài hộ dân.

Xã miền núi Xuân Thái là nơi chủ yếu đồng bào người Thái sinh sống. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nghèo. Vì khó khăn đủ bề nên việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với xã Xuân Thái là rất khó khăn. Trong 19 tiêu chí NTM, dù đã rất cố gắng xã này cũng mới thực hiện được 3 tiêu chí.

Người dân xã Xuân Thái chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Dân cư của xã gồm 12 thôn với 900 hộ dân phân bố trên diện tích rộng. Cả xã chỉ có con đường liên xã là đã được nhựa hóa, nhưng theo thời gian đường giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Các đường liên thôn hầu hết vẫn là đường đất lầy lội.

7.jpg
Con đường bê tông hoành tráng, ô tô vào tận nơi có 200 hecta rừng chuyển đổi mục đích.

Người dân nghèo đang rất “khát” một con đường, ấy vậy mà một con đường to đẹp, xây dựng hết mấy tỷ đồng đang trong quá trình hoàn thiện trên địa bàn xã Xuân Thái lại không để phục vụ cho dân. Con đường đó bắt đầu từ trục đường liên xã, chạy thẳng vào khu rừng 200 hecta của những người cán bộ trong BQL rừng Như Xuân. Trên con đường rộng lớn ấy chỉ có vài hộ dân ở.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đồng thời là Giám đốc BQL dự án JICA2, cho biết: Con đường này thuộc dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ”, có tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Nguồn vốn làm đường là vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng tỉnh”.

Ông Đốc khẳng định, trước khi xây dựng tuyến đường, phía JICA cũng đã tiến hành khảo sát. Ý kiến của người dân và chính quyền địa phương cũng đã được tham khảo. Sau khi hoàn thành, lãnh đạo xã Xuân Thái xác định, con đường sẽ giúp giải quyết vấn đề tiêu thụ nông lâm sản của nhân dân trong vùng. Việc đầu tư xây dựng sẽ đảm bảo việc vận chuyển nông lâm sản của nhân dân dễ dàng, người dân đi lại thuận lợi, con em đến trường thuận lợi… Việc xây dựng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Cũng theo ông Đốc, lãnh đạo xã Xuân Thái đã rất cảm ơn JICA vì đã xây dựng con đường. Phía đại diện JICA cũng cho rằng, con đường xây dựng đúng với quy trình, quy định, việc lựa chọn xây dựng con đường trên là phù hợp. Ông Đốc cho biết, sau khi có một số phản ảnh về việc xây dựng tuyến đường vào “nhà quan”, lãnh đạo JICA tiếp tục về xã Xuân Thái kiểm tra thực tế. Thêm một lần nữa, phía JICA cho rằng, việc xây dựng tuyến đường trên là phù hợp.

img20160426101531.jpg
Con đường dài 2,3km nhưng chỉ có vài hộ dân sinh sống.

Tuy con đường mang ý nghĩa “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” như lời ông Đốc nói, nhưng khu rừng này đã được chuyển đổi sang rừng sản xuất, tức không còn là rừng phòng hộ nữa.

Khác với khẳng định của ông Đốc nói về sự “hài lòng” của lãnh đạo và nhân dân xã Xuân Thái, trong cuộc trao đổi với báo chí, một lãnh đạo xã Xuân Thái thẳng thắn nói rằng, dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư nên họ không được tham gia góp ý, bàn thảo. Vị này cho biết, nếu được quyết định, chắc chắn ông sẽ không đầu tư mở con đường đó vì người dân nhiều thôn khác ở xã này còn cần đường hơn rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề cán bộ BQL rừng phòng hộ Như Xuân xin chuyển đổi mục đích sử dụng rồi chia nhau trong khi người dân sở tại thì không, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: “Đất là đất của BQL thì BQL phải tổ chức trồng rừng, sao lại giao cho dân được. Hiện nay, các BQL rừng vừa bảo vệ vừa được giao rừng và tổ chức trồng rừng. BQL mà không gắn bó với rừng thì không thể bảo vệ được cho nên chúng tôi xác định, ngoài diện tích rừng bảo vệ, sẽ ưu tiên cho anh em trong BQL trồng rừng, để gắn bó với rừng. Tôi khẳng định chuyển đổi rừng là đúng, giao đất cho cán bộ BQL cũng là đúng”.

Về con đường mở vào khu rừng 200 hecta, ông Quyền nói: “Đường mở vào đó là để phục vụ cho dự án trồng rừng, phát triển lâm nghiệp. Dự án JICA là dự án rừng của Nhật Bản, tức là làm đường lâm nghiệp, không phải làm đường dân sinh. Phát triển trồng rừng đến đâu thì làm đường đến đấy”.

Về lý thuyết, ông Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói là đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, 200 hecta rừng xin chuyển đổi này đã thực hiện không đúng mục đích. Không còn rừng để bảo vệ, phát triển thì phải chăng lí do giao đất trồng rừng cho cán bộ và mở đường lâm nghiệp chỉ là bình phong cho việc xẻ thịt đất rừng phòng hộ nơi đây?

Từ việc giao khoán đất rừng mà nhiều người nói thẳng là “chia chác cho cán bộ” đến việc làm con đường bê tông đều có những dấu hiệu bất thường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ý kiến của cơ quan quản lý về vấn đề này.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn