Các bố mẹ không biết rằng làm như vậy chính là tiếp tay cho tính "hiếu chiến" của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay không ít cha mẹ đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm "tính hiếu chiến" và "tính cạnh tranh" ở trẻ. Họ cho rằng, trẻ có tính hiếu chiến mạnh mẽ là "rất có tính cạnh tranh", sau này "sẽ không bị bắt nạt". Thực tế, hiếu chiến và cạnh tranh lành mạnh là hai vấn đề không liên quan đến nhau.
Tính cạnh tranh là tinh thần cầu tiến, tự thách thức bản thân, độc lập và sáng tạo, là một trong những tố chất quan trọng cần có để trở thành nhân tài. Trẻ có tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ đúng là có "ý thức hiếu chiến", thể hiện ở lòng dũng cảm vươn lên, không chịu lùi bước, nhưng sự "hiếu chiến"này chỉ ở trong một mức độ cho phép, nếu vượt qua ranh giới đó thì không còn mang ý nghĩa của tính cạnh tranh nữa.
Ngược lại, hành vi hiếu chiến là hành vi tiêu cực. Nó không những gây hại cho tập thể hoặc cá nhân khác mà còn tác động xấu đến sự phát triển lành mạnh của trẻ bởi bị người xung quanh xa lánh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ hiếu chiến thường không có mối quan hệ tốt với bạn bè. Hầu hết bạn cùng độ tuổi có thái độ cự tuyệt với trẻ hiếu chiến.
Các nghiên cứu còn chỉ ra, nếu hành vi hiếu chiến ở trẻ không được can thiệp, uốn nắn kịp thời, sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, trẻ khi lớn lên rất dễ sa chân vào con đường phạm tội. Vì vậy, các cha mẹ cần phải thay đổi quan niệm, nắm vững phương pháp giáo dục, can thiệp và uốn nắn kịp thời hành vi hiếu chiến ở trẻ.
Hành vi hiếu chiến của trẻ có thể chia làm hai loại: Hiếu chiến vô thức và hiếu chiến cố ý. Hiếu chiến vô thức chỉ là hành vi không có chủ ý, chỉ nhằm đạt được mục tiêu nào đó, ví dụ như tấn công bạn để chiếm được đồ chơi. Hiếu chiến cố ý là hành vi cố tình làm hại người khác. Hành vi công kích ở trẻ từ 3 đến 7 tuổi hầu hết thuộc hành vi hiếu chiến vô thức.
Theo các chuyên gia tâm lý, để uốn nắn hành vi hiếu chiến của trẻ, các cha mẹ có thể áp dụng phương pháp tư duy phân tán. Phương pháp này giúp trẻ mở rộng suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết mới. Khi xảy ra tranh chấp giữa các trẻ với nhau, cha mẹ hãy gợi ý trẻ tìm nhiều phương án khác nhau để giải quyết tranh chấp, nhờ đó sẽ tránh xảy ra hành vi hiếu chiến.
Áp dụng phương pháp tư duy phân tán, cha mẹ phải chú ý những điều sau: Liên tục khuyến khích con suy nghĩ. Cha mẹ có thể nói như thế này: "Tốt lắm, con đã đưa được một cách hay, con nghĩ thêm xem còn cách nào hay hơn không?"
Rất có thể con bạn sẽ nói ra một số đáp án không thực tế. Lúc này, cha mẹ không nên lo lắng, càng không nên phủ nhận một cách tùy tiện. Bởi phủ nhận sẽ khiến con không dám đưa ra những cách giải quyết khác. Chỉ khi cha mẹ nhiệt tình cổ vũ, khích lệ con mới khiến con vui vẻ tìm ra đáp án. Càng đưa ra được nhiều đáp án thú vị, con càng hào hứng suy nghĩ.
Sau khi đưa ra được nhiều đáp án, cha mẹ phải giúp con phân tích, so sánh để trẻ tìm ra đáp án vừa mang tính xây dựng, vừa thiết thực và có tính khả thi. Để làm được điều đó, phụ huynh phải khích lệ, biểu dương con: "Con đã tìm ra được cách rất thông minh!". Quan trọng hơn, cha mẹ hãy để con áp dụng vào thực tế, để trẻ tự nhìn thấy kết quả nhờ "suy nghĩ thông minh" của chính mình, cảm nhận được niềm vui khi giải quyết tốt đẹp vấn đề mà không cần sử dụng vũ lực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn