Dù chưa hiểu rõ nội tình và mâu thuẫn bên trong của câu chuyện, song nhìn bức ảnh của cháu bé ở Thái Nguyên, chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi xót xa. Cũng có con trai tầm tuổi cháu bé, người mẹ trẻ chia sẻ: "Nhìn thấy hình ảnh đó, tôi thấy rùng mình, cảm giác gai hết cả người vì xót xa và quá đau đớn. Dù con có sai trái đến đâu, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đánh cháu đến bầm dập thế này! Tổn thương về thể xác đã đành, cái chính là cháu sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề! Có lẽ hình ảnh người bố hung dữ sẽ hằn mãi trong tâm can của đứa trẻ!”.
Cháu bé đáng thương bị bố hành hung vẫn chưa hết đau đớn. |
Theo quan điểm của chị Thu Hà, bạo lực với trẻ em trong bất cứ trường hợp nào cũng đều vi phạm pháp luật, cần lên án. “Đã bị đánh đến mức độ như thế, đứa bé cần được bảo vệ bởi pháp luật, bởi bố cháu đã đánh được một lần thì có thể đánh cháu thêm được nhiều lần khác!” - chị Trần Thu Hà lên tiếng.
Đây cũng là ý kiến của Bà Dương Thị Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) khi cho rằng, hệ lụy này xảy đến từ định kiến quá nặng nề về giới. “Hầu hết mọi người đều có thói quen suy nghĩ rằng con ở với mẹ tốt hơn với bố sau khi bố mẹ ly hôn. Bố thường được tòa xử là phải góp tiền nuôi con nhưng nếu họ không góp tiền thì vẫn… chẳng sao! Chính nếp nghĩ ấy càng khiến những người vốn không có trách nhiệm với con cái lại càng có cớ để bỏ qua trách nhiệm ấy. Trách nhiệm nuôi con là bình đẳng như nhau” – bà Dương Thị Sơn bức xúc.
Đừng vội phán xét hành vi cháu bé
Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Minh (Giảng viên Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, câu chuyện nuôi con sau ly hôn luôn là vấn đề nan giải với nhiều cặp vợ chồng. Nhiều người thấy bình thường khi ông bố không đóng tiền nuôi con, không ngó ngàng đến con, nhưng lại bất bình nếu thấy đứa trẻ phải ở với bố sau ly hôn, hoặc mẹ không ngó ngàng gì đến con.
“Mọi người xem điều đó là bình thường nhưng thực tế không hề bình thường chút nào vì đã vô tình coi nhẹ trách nhiệm của người bố, làm cho bố vốn đã vô trách nhiệm cũng tự “miễn nhiệm” luôn!” - Thạc sĩ Tuyết Minh nói.
Bố mẹ càng phải quan tâm hơn đến con sau khi ly hôn vì con sẽ phải trải qua nhiều cú sốc tâm lý. Ảnh minh họa internet. |
Trong câu chuyện này, người thiệt thòi nhất vẫn là đứa trẻ. Theo ThS. Minh, tâm lý của trẻ, nhất là trẻ mới lớn, ở độ tuổi vị thành niên, sự thay đổi tâm lý rất phức tạp. Bản thân trẻ gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt và làm quen với những thay đổi trong mối quan hệ mới, trong những ánh nhìn của người khác đổ dồn về mình.
“Đừng vội phán xét hành vi ăn cắp của bé. Có nhiều đứa trẻ vì bị bỏ rơi sau khi bố mẹ ly hôn mà làm những điều bất thường chỉ để muốn gây sự chú ý, muốn được quan tâm hơn. Hoặc có trường hợp vì bị sốc nên dẫn đến nhiễu loạn tâm lý, gây nhiễu loạn hành vi, cần được bác sĩ tâm lý tư vấn để giúp trẻ vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này” - bà Minh nói.
Bố mẹ cần làm gì? Theo thạc sĩ Tuyết Minh, câu chuyện của một người nhưng sẽ là bài học của nhiều bố mẹ đối với con cái sau khi ly hôn. - Trước những hành vi xấu của con, đừng vội đánh con, bố trước hết cần bình tĩnh lắng nghe con, tìm hiểu để biết lý do con gây ra hành vi xấu là gì. Trong trường hợp nào thì bố cũng cần hiểu, bé sống xa mẹ đã là điều rất khó khăn vì thế phải bù đắp tình cảm cho con thay vì bỏ rơi con. - Mẹ ở xa nhưng có nhiều cách thể hiện tình thương để con thấy rằng con không bị bỏ rơi, chỉ có điều không ở chung với cả bố và mẹ trong một nhà thôi. Dù cách xa nhưng con vẫn có được tình thương của cả bố và mẹ, từ đó bớt căng thẳng, vượt qua được giai đoạn khó khăn. - Với bé ở tuổi mới lớn, việc nuôi dạy con tuyệt đối không được áp đặt, phải tìm nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi xấu. Phải từng bước một, bằng sự kiên trì, bình tĩnh, cả bố, mẹ và con mới cùng vượt qua được khó khăn và đứa trẻ mới dần trưởng thành, chính chắn. |