Vào sáng ngày 24 tháng 2 năm 2012, Donna Gilbride đến phòng khám với mong đợi nhận được lời giải thích từ bác sĩ về kết quả xét nghiệm máu có một số dấu hiệu bất thường. Người phụ nữ này không thể ngờ mình mắc phải hội chứng loạn sinh tủy (MDS), một căn bệnh ung thư máu hiếm gặp. Bệnh này không có cách chữa và nhiều người chỉ có thể sống sót sau khoảng 3-5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Đây là một tình trạng rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến máu và tủy xương.
Được mọi người hỏi về cuộc sống trước khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán, Donna chia sẻ: “Tôi rất bận. Công việc của tôi như là cầu nối liên lạc giữa Bộ Nông nghiệp và các chợ nông sản ở địa phương. Tôi cũng dành hết tình yêu thương cho bốn người con và năm đứa cháu. Đi du lịch là sở thích của tôi và tôi có thể dành hàng giờ để cải tạo ngôi nhà hơn 100 tuổi của mình. Trang trí nhà cửa làm tôi rất hạnh phúc”.
Vào năm 2011, Donna thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất dần năng lượng. Những hoạt động đơn giản như dọn vệ sinh giường ngủ cũng trở thành thách thức với cô. Lúc đầu, Donna không quan tâm tới hiện tượng này và chỉ cho rằng đây là vấn đề thường gặp ở người có tuổi, không có gì phải lo cả. Mãi đến khi tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, người phụ nữ này mới “té ngửa” khi được bác sĩ kết luận mắc một căn bệnh nguy hiểm hiếm gặp.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy Donna có nồng độ hemoglobin thấp, một loại protein trong các tế bào hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đi khắp cơ thể. Sau đó, cô được giới thiệu đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư và làm nhiều xét nghiệm khác, chủ yếu là ở tủy xương. Những kết quả đều dẫn tới MDS. Donna nhớ lại: “Tôi hoàn toàn sốc. Tôi không thể tin mình sắp chết và thậm chí còn chất vấn bác sĩ khi ông ấy khuyên tôi nên về nhà”.
MDS là một dạng rối loạn suy tủy xương hiếm gặp, trung bình có 33-55 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi ngày. Nó cũng có xu hướng ảnh hưởng đến người cao tuổi, chủ yếu từ 70-75. Dấu hiệu đặc trưng nhất là thiếu máu, giảm lượng tế bào hồng cầu, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược và khó thở.
Truyền máu thường xuyên không phải là lựa chọn lý tưởng với nhiều người, trong đó có Donna. Cô phải đến bệnh viện 6 tuần một lần, mỗi lần cách nhau ngày càng gần hơn khi tình trạng thiếu máu xuất hiện trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ ngơi giữa các lần dần bị thu hẹp. Ngoài ra, bác sĩ của Donna còn kê cho cô một loại thuốc kích thích tủy xương để góp phần kiểm soát bệnh.
Vài năm sau khi điều trị, người phụ nữ này nghe nói đến một thử nghiệm lâm sàng cho loại thuốc đang được nghiên cứu mang tên Reblozy (luspatercept-aamt). Đây là thuốc tiêm và nhiều chuyên gia tin tưởng chúng có thể điều trị chứng thiếu máu do MDS gây ra. Cuộc thử nghiệm đã thu hút sự chú ý của Donna vì đối với những bệnh nhân như cô, loại thuốc này có thể đem lại hy vọng không nhỏ. Sau đó, người phụ nữ này đã đăng ký tham gia thử nghiệm và bắt đầu tiêm 3 tuần/lần.
Mặc dù mắc phải căn bệnh hiếm gặp không có thuốc chữa, Donna vẫn luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cô cho biết: “Tôi muốn nói với những người cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự rằng hãy tiếp tục hy vọng và biết ơn những gì mình đang có”.
Để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, Donna và chồng đã chuyển đến một ngôi nhà mới. Cô bắt đầu việc sửa sang lại phòng tắm, nhà bếp và rất hứng thú với công việc làm vườn.
Donna chia sẻ: “Những cơn khó thở và mệt mỏi vẫn còn hành hạ tôi nhưng chúng cũng không thể ngăn cản tôi tận hưởng cuộc sống tốt đẹp tại nơi ở mới”.
(Nguồn: Pre)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn