Bài toán chi tiêu nan giải này luôn khiến chị Hòa (Linh Đàm, Hà Nội) phải đau đầu tính toán mà vẫn chưa tìm được ra giải pháp tối ưu để giảm bớt các khoản chi phí sinh hoạt gia đình.
Chị Hòa quê gốc ở Ý Yên, Nam Định lấy chồng người Hà Nội. Chị là nhân viên kế toán trong một siêu thị điện máy, lương tháng 13 triệu.
Chồng chị làm bên khối xây dựng, thu nhập trung bình 25 triệu/tháng.
Sau cưới 2 năm, vợ chồng anh chị mua chung cư trả góp dành cho người thu nhập thấp trị giá 1,4 tỷ. Hiện tại mỗi tháng anh chị phải trả ngân hàng 9,7 triệu cả gốc lẫn lãi.
Chị Hòa chia sẻ: "Sau khi mua nhà, mình ý thức rất rõ phải thắt chặt chi tiêu để dồn sức trả khoản nợ ngân hàng. Mọi khoản thu chi trong gia đình mình đều phải có kế hoạch cụ thể, khoản nào ra khoản đó. Thậm chí để có thể tiết kiệm được nhiều hơn, mình còn huy động cả bố mẹ đẻ dưới quê 'ủng hộ' lương thực, thực phẩm. Vậy mà mỗi tháng nhà mình vẫn tiêu hết 18 triệu".
Các khoản chi tiêu nhà chị Hòa như sau:
Tiền điện, nước: 2 triệu
Tiền hiếu hỷ, đối nội đối ngoại: 2.5 triệu
Tiền bỉm sữa, học của con: 5 triệu
Xăng xe: 500k
Mua sắm quần áo: 1 triệu
Tiền ăn: 7 triệu
Vị chi là 18 triệu cố định chi tiêu mỗi tháng, không kể tới 9.7 triệu tiền nợ ngân hàng vợ chồng chị phải trả đều đặn từng tháng.
"Thật sự nhìn từng ấy khoản tiền cần tiêu mỗi tháng khiến mình phát sốt. Còn may hàng tháng bố mẹ mình dưới quê đều gửi gạo, rau củ lên 'trợ cấp' miễn phí. Ông bà nghỉ hưu có thời gian nuôi gà vịt. Tháng nào cũng 2, 3 lần các cụ gửi đồ sạch lên cho con cháu. Thế mà tính ra 1 tháng mình vẫn phải chi trên dưới 7 triệu tiền thức ăn cho gia đình".
Khoản chi tiêu ăn uống của nhà chị Hòa cụ thể như sau:
Sáng ra vợ chồng mình không có thói quen ăn cơm mà thích ăn mấy món có nước. Buổi sáng mình luôn dậy sớm tự tay nấu bữa cho chồng con. Bé nhà mình 4 tuổi, ăn theo bố mẹ được rồi nên sáng mình thường nấu phở để cả nhà cùng ăn.
Nghĩ tự nấu ăn ở nhà sẽ tiết kiệm hơn, tuy nhiên để nấu được 3 bát phở ngon, kích thích vị giác cho chồng con mình phải rất kỳ công, chi phí cũng không hề rẻ. Bình quân bữa sáng nhà mình đều hết khoảng 70K - 80K. Thi thoảng thì mình làm pizza, bánh cuốn nóng đổi vị cho cả nhà.
Chồng chị Hoa được hỗ trợ suất cơm trưa ăn tại căn tin công ty. Chị làm gần tranh thủ buổi trưa rẽ về nhà nấu ăn.
"Bữa trưa của mình đơn giản lắm, thường mình chỉ cắm tí cơm, luộc rau ăn với thức ăn còn lại từ tối hôm trước hoặc tráng quả trứng, luộc tí đậu chấm muối vừng là cũng xong bữa. Mình tính cả tháng tiền ăn trưa của mình hết khoảng 500k thôi".
Bữa cơm tối là khoảng thời gian vợ chồng có thời gian thảnh thơi ngồi ăn uống, kể chuyện vui vẻ bên nhau nên mình rất chú tâm lo nấu nướng.
Đồ ăn thức uống chuẩn bị cho mâm cơm tối mình cũng phải tươm tất nên dù trong tủ luôn có sẵn thức ăn bố mẹ dưới quê gửi xong chiều đi làm về mình vẫn ra chợ mua thêm thức ăn.
Trung bình chi phí cho bữa tối của gia đình mình rơi vào tầm 120K. Bữa này bù bữa kia, không kể thức ăn có sẵn.
Với mức chi tiêu như vậy, tuy vợ chồng chị Hoa vẫn để dành được 10 triệu lo tích lũy nhưng chị Hoa than thở: "Mình thấy gia đình mình chi tiêu khá nhiều. Bản thân mình đã nghĩ tới chuyện cần phải hạn chế chi tiêu hơn nhưng chẳng biết phải cắt bớt khoản nào nữa. Thành ra đối với mình, việc chi tiêu như thế nào mới thật sự hợp lý, tiết kiệm vẫn là 1 bài toán khó khiến mình đau đầu, mãi chưa tìm ra đáp án". Bà nội trợ than thở.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn