Nhu cầu thu nạp đường của cơ thể?
Đã bao giờ bạn đột nhiên nghĩ tới chiếc kẹo hay thanh sô cô la và muốn ăn chúng ngay lập tức? Hoặc khi đang buồn chán, mệt mỏi, bạn mở tủ lạnh và ăn hết hộp kem và đĩa bánh ngọt trong đó? Chúng ta có nhiều lý do để dặn mình không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ có đường nhưng đồng thời lại không cưỡng lại được những loại đồ ăn hấp dẫn đó. Vậy chuyện tại sao những thức ăn ngọt lại trở nên khó cưỡng đến thế?
Tất cả chúng ta đều được sinh ra với hệ thống não bộ bẩm sinh, có thiên hướng yêu thích thức ăn ngọt. Từ thời xa xưa, tổ tiên của con người thường chọn thực phẩm có vị ngọt vì cho rằng các món ăn ngọt là nguồn cung cấp năng lượng tốt và mang lại sự dễ chịu, còn các vị đắng, chua thường là dấu hiệu của thực phẩm ôi thiu, có chứa chất độc hoặc có thể gây bệnh.
Ngoài nhu cầu cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, đối với một số người, cho dù có ăn uống no nê thế nào đi nữa, thì họ vẫn luôn thèm thứ gì đó thật ngọt để "tráng miệng" sau bữa ăn, thậm chí chỉ khi vừa trông thấy một video về các loại sô-cô-la trên Facebook, Youtube.
Giáo sư Nicole Avena, Tư vấn viên về Dinh dưỡng, Ăn kiêng & Thực phẩm Hoa Kỳ giải thích nguyên nhân của tình trạng này là do một chất trong não bộ có tên dopamine: "Dopamine khiến con người cảm thấy dễ chịu, tích cực hơn. Mức dopamine sẽ tăng cao do tiêu thụ đồ ngọt, thúc đẩy não bộ chúng ta nhanh chóng biết cách tìm đến với các món này nhiều hơn nữa và dẫn đến bị "nghiện". Đó là lý do vì sao bông cải xanh tốt cho sức khỏe nhưng ít ngọt nên trẻ em không thích ăn."
Không chỉ thèm ăn đường một cách bột phát, đối với một số người, đường còn là "liều thuốc" để vượt qua căng thẳng. Họ coi đồ ăn ngọt như một món quà sau một ngày dài mệt nhọc, giúp tâm trạng thoải mái, dễ chịu hơn. Hiện tượng tâm lý này có liên quan đến thói quen thời thơ ấu. Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta thường được thưởng kẹo, bánh mỗi khi làm tốt điều gì đó.
Tiêu thụ đường quá mức có thể gây ra những tác động xấu ở não
Tuy vậy, Tạp chí khoa học Healthline cho biết, đường chỉ tạo ra cảm giác dễ chịu "ảo" ngay khi ăn. Còn về lâu dài, nó thậm chí có thể "châm ngòi" cho các cảm giác lo lắng, buồn phiền - và sẽ có hiệu ứng mạnh mẽ gấp đôi nếu những người ấy đang mắc phải các chứng lo âu, trầm cảm. Nguyên do là sau khi ăn nhiều đường, cơ thể chúng ta sẽ trải qua hiện tượng gọi là "sugar rush", tạm dịch là sốc đường. Kênh Youtube BizInterest giải thích, sốc đường" sẽ khiến tâm trạng bạn thay đổi, bạn sẽ cảm thấy bồn chồn, không muốn ngồi yên, muốn làm hoạt động gì đó để giải phóng năng lượng. Bạn cũng có thể nhạy cảm hơn bình thường và cảm thấy lo lắng, mất tập trung, khiến bạn không thể giải quyết những vấn đề gây nên stress.
Như vậy, khi ăn đồ ngọt, sự căng thẳng, mệt mỏi không biến mất, thậm chí nó còn tồi tệ hơn và mang lại thêm cho bạn những mối lo khác về cân nặng, béo phì. Ngoài ra, lạm dụng đường cũng sẽ gây nhiều tác hại cho sức khỏe.
Nhà khoa học Amy Reichelt, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Tác động của chế độ ăn uống đối với trí nhớ và nhận thức" chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa đồ ngọt và chứng suy giảm trí nhớ. "Khi tôi cho những con chuột ăn lượng lớn đường suốt một thời gian dài, những con chuột ăn nhiều đường thể hiện kém hơn trong một bài kiểm tra ghi nhớ sự vật ở các vị trí nhất định. Lý do là bởi đồ ngọt làm giảm tế bào thần kinh cần thiết cho sự mã hóa trí nhớ và làm tăng các hóa chất có liên quan đến viêm nhiễm" - Chuyên gia này cho biết.
Một điều may mắn là, não bộ có thể thay đổi và đưa bạn vào cơn nghiện đường thì nó cũng có khả năng "cai" được và đưa bạn ra khỏi đó. Một khi bạn giảm dần lượng đường ăn vào mỗi ngày đủ lâu, bạn sẽ tự thích nghi được với chế độ ăn mới. Kênh thông tin khoa học, giáo dục TED-Ed đưa ra gợi ý giúp mọi người từ bỏ được việc nghiện đường, đó là nếu tiêu thụ đường quá mức có thể gây ra những tác động xấu ở não. Nhưng thỉnh thoảng ăn một miếng bánh nhỏ sẽ không gây ảnh hưởng gì. Nếu bạn ít ăn đường hoặc ăn những bữa ăn cân bằng, kích thích dopamine sẽ xảy ra đều đặn. Càng đa dạng trong chế độ ăn uống, chúng ta càng dễ có được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và giảm cảm giác nghiện đường.
Việc giảm đường và thay bằng các loại thực phẩm khác có thể đưa bạn đến một kết quả "ngọt ngào" khác, đó là một cơ thể khỏe mạnh, cân đối, trí nhớ tốt, tinh thần lạc quan, khi đó não bộ của bạn chắc chắn cũng sẽ "cảm ơn" bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn