'Đường nhà nước' cũng là đường... nhà mình?

14:53 | 13/08/2018;
Chuyến về quê dự đám cưới của cậu em họ lần này đã để lại cho tôi ấn tượng đáng nhớ. Không phải ấn tượng về một đám cưới vui hay cô dâu xinh, chú rể đẹp, mà là câu chuyện bên lề một đám rước dâu. Đó là câu chuyện buồn về một thói quen cố hữu vẫn tồn tại lâu nay ở nơi làng quê tôi.
Buổi tối trước lễ cưới, đám thanh niên náo động một hồi nơi dựng rạp, hát hò, nhảy múa tưng bừng thì rủ nhau đi “tiền trạm”.
 
Nhưng đám thanh niên đi được khoảng 20 phút, đã có tiếng lao xao ngoài ngõ. Có cả tiếng gọi tên ông chú tôi gấp gáp. Tưởng có chuyện gì, mấy người có tuổi hốt hoảng chạy ra. Mấy thanh niên, lúc đi thì hào hứng tươi cười, giờ ỉu xìu quay về. Mọi người rối rít hỏi thăm. Đáp lại chỉ là những cái lắc đầu. Một lát sau, mấy cậu con trai dìu 3 người vào nhà, cả nam lẫn nữ, tóc tai quần áo xốc xệch, rách bươm, một vài cánh tay chảy máu, sướt sát. Cậu tôi tái mặt hỏi: “Có chuyện gì vậy?” .
 
Có ngươi lo lắng hỏỉ: “Lại đánh nhau à? Buổi tối đi đến làng dễ va chạm sinh chuyện đánh nhau lắm”... Hưng, tên chú rể của ngày mai, vội thanh minh: “Không phải, chúng con còn chưa đi đến nhà gái, mới ra đến cuối làng đã gặp phải bãi cát nhà ai đổ ngay giữa đường, hai xe đi trước đều bị trượt ngã. Mấy xe đi sát phía sau cố tránh xe đổ nên lao xuống ruộng. Một cậu bị gãy tay phải đưa vào bệnh viện rồi. Mấy người này bị nhẹ hơn nên quay về thay quần áo, lau rửa vết thương”. Chuyến đi tiền trạm đành bỏ dở. Cậu em tôi đêm đó phải vào viện cùng người nhà cậu bạn bị gãy tay để lo liệu trị thương cho bạn.
 
Vậy là đám cưới mà không khí chùng hẳn xuống. Lo liệu cắt đặt người đi hỏi thăm, chăm nom người bị thương rồi, chú tôi và vài người họ hàng còn lặng lẽ ngồi uống trà đến tận khuya chẳng nói với nhau được câu nào vui vẻ...
 
Sáng hôm sau, Hưng mới hớt hải từ bệnh viện về, chẳng kịp ăn uống, vội vã tắm rửa, mặc bộ complet chú rể rồi bị người nhà nhét vào xe đón dâu. Câu chuyện buồn đêm hôm trước cứ ngỡ đã qua rồi. Đoàn rước dâu cả ô tô, xe máy rồng rắn nhau đi đến cuối làng thì ách lại không tiến thêm được bước nào. Hai xe ô tô một lớn, một nhỏ đậu trên con đường liên xã nho nhỏ thoáng cái đã làm tắc một đoạn đường dài. Những xe máy phía sau len lên cũng dừng cả lại.
 
Cậu tôi sốt ruột mở cửa đi xuống hỏi han tình hình. Ngó đầu ra xe, tôi thấy Hưng tay cầm bó hoa cô dâu lắt lẻo, nét mặt đầy bối rối: “Bố ơi, bãi cát nhà ven đường đổ tối qua vẫn chưa được dọn đi, xe ô tô không qua nổi, xe máy phải vừa bê vừa đẩy mới đi được. Giờ làm sao”.
433099-343019-img-20170624-142659-apatkmsot40z8f_z1gce.jpg
Ảnh minh họa

 

Cậu tôi gắt: “Thế con không biết vào nhà gọi chủ nhà ra xúc cát à? Đây là đường nhà nước cơ mà, sao lại đổ bừa ra thế được?”. Hưng nói như sắp khóc: “Cả đêm qua và sáng nay, con đều bảo người đến nhắn chủ nhà xúc gọn cát vào ven đường. Tối qua, họ bảo thợ đã về nghỉ cả rồi chẳng còn người xúc, để sáng mai họ nhắn thợ đến sớm xúc đi. Vậy mà không hiểu sao đến giờ vẫn còn nguyên. Vừa nãy vào giục thì họ bảo đường nhà nước chứ đường của riêng nhà ai đâu. Ai cần thì tự đi mà xúc...”.
 
Nhìn đồng hồ đã sắp đến giờ hẹn với nhà gái, cậu tôi sốt ruột nhưng vẫn cố gắng cười để mọi người đỡ căng thẳng rồi cậu quát to: “Họ không làm thì mình làm. Gặp phải đám Chí Phèo thế mình chấp làm sao nổi. Nhanh lên đi mượn mấy cái xẻng. Đám thanh niên đâu, mỗi người một chân một tay nào”. Sau trận mưa đêm, cát vừa bết vừa nặng, rất khó xúc. Cả đoàn vã mồ hôi hột mới mở được một con đường nho nhỏ vòng qua bãi cát để đi.
 
Lúc này thì bộ áo cưới chú rể đã lấm bẩn một vài chỗ, bông hoa cài ngực rơi đâu mất. Hưng đành cúi xuống ruộng vục nước rửa tay và gột qua loa mấy vết bẩn, rồi hối hả leo lên xe, giục tài xế chạy nhanh.
 
Đám đông dân làng vây quanh xem lúc ấy mới lắc đầu: “Cái nhà này cũng vô ý thức quá, đường đi chung chứ có phải sân nhà họ đâu”. Có người nói: “Ngộ nhỡ chậm mất giờ lành của nhà người ta thì sao?”.
 
Cô em họ trong đoàn đi rước dâu lúc ấy còn bảo: “Đường ở quê khổ lắm anh ạ, nhà nào cũng coi là của mình nên thích làm gì thì làm. Có lần đám cưới bạn em mà xe dâu phải đi vòng quanh xã mới đến được nhà gái vì đường chính có một đám cưới khác người ta làm rạp rồi làm cả cổng hoa ra giữa đường. Xe máy, người đi bộ thì lọt qua được nhưng ô tô thì chịu. Nhà họ cũng kiên quyết không chịu dẹp cổng cho xe hoa nhà mình đi qua. Lúc ấy thì đành đi vòng đường khác chứ chả nhẽ ở lại gây sự cãi nhau để hỏng cả việc lớn nhà mình hay sao”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn