Hiện nay người nông dân ở xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) có lối canh tác sản xuất khá độc đáo so với các vùng nông nghiệp khác. Đó là chuyển sang cơ cấu sản xuất hàng hóa hoa cây cảnh chuyên biệt. Gần như 100% diện tích đất nông nghiệp ở Phụng Công không còn phục vụ sản xuất cây lương thực hoa màu như những năm trước đây.
Bà Nguyễn Thị Nga, ở thôn Bến, xã Phụng Công, chia sẻ: "Người dân ở quê tôi hiện nay không còn ai sản xuất cây hoa màu lương thực, bởi tất cả đã chuyển sang làm hoa cây cảnh, khắp cả cánh đồng trên đồng dưới chỉ toàn cây cảnh. Mặt hàng này có lợi nhuận cao hơn, tuy nhiên công sức đầu tư và chăm sóc cũng vất vả hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn".
Ông Lê Văn Nam cho hay: "Chính nhờ sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng mà kinh tế các hộ gia đình mới có sự thay đổi, ngày nay đều khá hơn trước rất nhiều. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần đều có sự đổi thay tích cực rất lớn".
Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng cho người dân ở xã Phụng Công, cùng với đó là công tác tuyên truyền quảng bá hợp lý, đã nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm hoa cây cảnh của địa phương, đưa tên tuổi của làng nghề hoa cây cảnh này ngày càng vang xa, được đông đảo khách hàng tiêu dùng ưa chuộng.
Một trong những bí quyết thành công trong sản xuất của người nông dân ở xã Phụng Công chính là kinh nghiệm duy trì nguồn vốn tài chính một cách ổn định, bền vững, đáp ứng tốt cho công việc sản xuất của các hộ gia đình.
Theo đó, người dân ở Phụng Công không tập trung sản xuất một mặt hàng nào đó theo kiểu trông chờ vào mùa vụ nhất định. Trên những thửa ruộng, vườn của họ đều rất đa dạng về mặt cây trồng hàng hóa, theo hình thức "mùa nào thức nấy", để duy trì nguồn thu ổn định. Nghĩa là tuần nào, tháng nào cũng có nguồn thu. Tuy nhiên, mùa thu hoạch lớn nhất vẫn được tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm.
Ông Ngô Văn Doanh chia sẻ: "Với những người dân làm nông nghiệp như ở quê tôi, xưa kia thường gặp khó khăn vì không có nguồn tài chính ổn định, chẳng những khó khăn cho cuộc sống, mà còn khó khăn cho cả đầu tư sản xuất. Ngày nay thì đã khác, các gia đình chuyển sang canh tác cây trồng ổn định, đan xen nhau, gối vụ nhau để bán quanh năm. Nhờ đó mà nguồn thu đều đặn, ổn định cuộc sống và đầu tư sản xuất.
Nhờ có nguồn tài chính duy trì sản xuất ổn định, người dân xã Phụng Công cũng hạn chế việc vay nợ vốn sản xuất, nên cũng không phải chịu khoản chi phí lãi vay lớn như một số địa phương khác.
Bà Lý Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phụng Công, cho biết: "Hàng năm Hội LHPN xã cùng với các chị em hội viên thường tổ chức tuyên truyền, chia sẻ với nhau các kinh nghiệm quản lý tài chính gia đình và sản xuất. Các chị em ở địa phương nói chung là đều rất nhanh nhẹn, nhờ đó mà kinh nghiệm quản lý tài chính và sản xuất đều được vận dụng khá tốt. Cùng với đó là các nguồn tài chính hỗ trợ cho vay cũng được chị em sử dụng hợp lý, hiệu quả, nên cũng đạt được mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế địa phương. Cho đến nay, nguồn vốn tín dụng thông qua kênh Hội LHPN xã luôn ở mức trên dưới 10 tỷ/năm".
Cho đến nay, Phụng Công đã trở thành địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hưng Yên, nơi đây còn là điểm để nhiều địa phương về học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình duy trì tạo nguồn vốn tài chính ổn định, bền vững cho phát triển.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn