84% sinh viên Trung Quốc không thích đi du học thời hậu Covid-19
Trước đây, sinh viên châu Á rất thích được học tập tại các trường đại học ở châu Âu, Mỹ hoặc Canada. Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Rất nhiều các gia đình ở châu Á, nhất là tại các quốc gia Đông Á, đang do dự khi gửi con đến châu Âu vì nhận thấy nguy cơ nhiễm Covid-19 là rất lớn, chưa kể mức học phí lại cao (có thể lên tới 20.000 bảng Anh/học kỳ đối với sinh viên quốc tế) trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Mới đây, châu Âu đã lại áp dụng lệnh phong tỏa, lần thứ hai kể từ khi đại dịch bùng nổ khi tình trạng số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng vọt. Riêng ở nước Anh, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 48.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 (cao nhất châu Âu). Các bậc phụ huynh ở châu Á lo ngại sự an toàn về sức khỏe đối với con cái của mình nên họ không muốn bọn trẻ đi học xa nhà.
Nghiên cứu gần đây của các học giả ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho thấy 84% sinh viên Trung Quốc được khảo sát cho biết họ không quan tâm đến việc đi du học sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Điều này ảnh hưởng lớn đến chuyện thu nhập các trường đại học ở Vương quốc Anh, vì năm ngoái, 120.000 sinh viên ở Vương quốc Anh là người Trung Quốc (tăng 30% so với năm 2018).
Hội đồng Anh cũng đã khảo sát những công dân Trung Quốc đã đăng ký du học và thấy rằng có tới 47% đã quyết định hoãn việc bắt đầu học đại học của họ trong năm 2020.
Trong khi đó, nhiều sinh viên Thái Lan đã chọn ở lại Thái Lan, sinh viên Hàn Quốc muốn quay trở lại Hàn Quốc và một số lượng lớn sinh viên châu Á khác chọn học tập ở Nhật Bản, Singapore, cũng như tại các trường đại học của Vương quốc Anh nhưng có cơ sở chi nhánh quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.
Sự trỗi dậy của các trường ở châu Á
Ngoài vấn đề liên quan đến sự an toàn về sức khỏe, chuyện tài chính thì sự tăng lên về chất lượng đào tạo của các trường đại học ở châu Á cũng đã dẫn đến quá trình thay đổi xu hướng học tập của các sinh viên ở lục địa đông dân nhất thế giới này.
Theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS năm 2019, các trường đại học châu Á đang bám sát các trường đại học hàng đầu của châu Âu. Cụ thể, trong số 100 trường đại học hàng đầu trên thế giới, châu Âu vẫn đứng đầu với 34 trường. Châu Á xếp thứ 2 với 26 trường và khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể.
Hiện nay, rất nhiều trường đại học ở châu Á đang tập trung thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng để phát huy tối đa chất lượng đào tạo, thu hút sự quan tâm của các học sinh và cả phụ huynh.
Ông Simon Marginson, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học toàn cầu tại Đại học Oxford, cho rằng, sự phát triển vượt bậc của các trường đại học ở châu Á sẽ khiến các trường đại học ở châu Âu, nhất là các trường đại học ở Vương quốc Anh, phải thay đổi triệt để cả về chất lẫn lượng, thì mới có thể thu hút được trở lại sự quan tâm của các sinh viên đến từ phương Đông.
Các trường đại học ở châu Âu phải chứng tỏ được chất lượng về các dịch vụ, sự hấp dẫn để sao cho khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Cựu lục địa, các trường mở cửa trở lại và tiếp tục là điểm hấp dẫn đối với các sinh viên châu Á.
Cũng theo ông Marginson, các trường đại học ở châu Âu không chỉ tập trung phát triển, mở rộng ở các địa điểm đào tạo ở châu Âu mà còn phải đầu tư cho các chi nhánh của trường ở châu Á.
Một trong những trường đại học ở châu Âu đã thích ứng rất nhanh với sự thay đổi này chính là trường Đại học Nottingham. Đại học Nottingham là thành viên của tập đoàn Russell Group và Universitas 21 và là một trong những trường hàng đầu tại Vương quốc Anh. Trường đặc biệt nổi tiếng với 3 ngành học chính là Luật, Kinh tế và Y dược.
Trong thời gian gần đây, trường Đại học Nottingham không chỉ tập trung phát triển mạnh tại 3 cơ sở ở thành phố Nottingham là University Park, Jubilee Campus và Sutton Bonnington mà còn rất quan tâm đến các chi nhánh của trường tại Ninh Bá (Trung Quốc) và Selangor (Malaysia). Chính vì thế, Đại học Nottingham vẫn là một trong những trường "hot" đối với sinh viên châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Malaysia.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn