Vẽ tranh là bộ môn nghệ thuật mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Học vẽ giúp trẻ rèn luyện thị giác, khả năng quan sát thế giới xung quanh, có thể lưu trữ những thông tin về mọi điều vui vẻ trong cuộc sống. Con có cơ hội ghi nhớ lâu hơn và thể hiện suy nghĩ của mình thông qua những nét vẽ đáng yêu.
Nhiều em bé cũng bộc lộ khả năng hội hoạ từ sớm, như 2 em bé Hưng và Bống nhà chị Nguyễn Thị Hằng (sống tại Hải Phòng). Dù còn nhỏ nhưng các bé đã rất khéo léo vẽ nên những bức tranh đầy nghệ thuật. Nội dung các bức hoạ mang lại nhiều ý nghĩa như hoạt động vui chơi, ước mơ của con, lọ hoa trong nhà... và mới đây nhất, 2 cô bé cậu bé đã sáng tạo nên tờ lịch và các bức tranh tặng ông bà ngày Tết.
"Ngày Tết, mình thường cho các con về quê với ông bà nội ngoại, hỗ trợ ông bà dọn nhà đón Tết, cùng ông bà gói bánh chưng, và các bạn tự tay tô vẽ, trang trí ngày Tết. Trong khi làm thì các con vô cùng thích thú và háo hức, làm xong thì rất vui với những thành quả của mình. Và đặc biệt là các con hiểu được phong tục và ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán truyền thống của dân tộc Việt mình.
Vậy nên, cho dù mình sống ở thành phố Hải Phòng, nhưng năm nào mình cũng đưa các con về Tiên Lãng quê nội và Bắc Giang quê ngoại để đón Tết cùng ông bà nội ngoại hai bên. Cái Tết sum vầy, đoàn viên lại càng thêm ấm áp, hạnh phúc.
Con thích vẽ từ nhỏ và cũng đam mê lắm, hai anh em hay ngồi cùng nhau sáng tạo theo cách của riêng mình", chị Hằng tâm sự.
Nhìn những bức tranh trên, ai cũng khen vì các con khéo léo và sáng tạo. Các bức hoạ này được treo vào ngày Tết chắc chắn sẽ rất lung linh và rực rỡ.
- Rèn luyện khả năng quan sát: Trẻ sẽ quan sát thật kĩ xem hình dạng của sự vật như thế nào. Có đặc điểm gì khác với những sự vật khác. Màu sắc có giống với màu trẻ yêu thích hay không. Còn khi trẻ phải tự sáng tạo để vẽ 1 bức tranh, nó đồng nghĩa với việc trẻ đã nhớ về sự vật đó thông qua việc quan sát vật đó rất nhiều lần.
- Rèn luyện trí nhớ: Để có thể không cần tranh/ mẫu mà vẫn có thể vẽ được những gì trẻ mong muốn. Điều đó cần khả năng nhớ lại của trẻ. Việc thường xuyên tiếp nhận thông tin và nhớ lại là một trong những cách tốt nhất giúp trí não trẻ phát triển.
- Rèn luyện sự khéo léo: Hoạt động vẽ tranh nói riêng và các hoạt động tạo hình nói chung giúp trẻ rèn được tính kiên nhẫn, sự tập trung khi làm việc.
- Vui vẻ và giảm stress: Trong thời gian vẽ, con hoàn toàn có thể hồi tưởng và nghĩ đến những điều tốt đẹp. Trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, bớt lo nghĩ về những điều buồn bã.
- Phát triển khả năng ngôn ngữ: Một yếu tố nữa ít được nhắc đến trong hoạt động vẽ tranh đó là khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Thông qua hướng dẫn của thầy cô và sự gợi ý của các bạn khi làm việc nhóm, trẻ tích lũy không chỉ hình ảnh, tranh vẽ mà còn làm phong phú thêm vốn từ của của mình.
- Khuyến khích và khen ngợi con: Khi trẻ tập trung vẽ, hãy cho trẻ có cơ hội tập trung và đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của chúng. Tuyệt đối không nên sử dụng khuôn mẫu để bắt trẻ sao chép. Điều này sẽ hạn chế trí tưởng tượng của trẻ và làm giảm nhiệt huyết của bé với hội họa.
- Không ép buộc khi con nói không thích: Tôn trọng sở thích và hiểu biết những sở thích của con, cha mẹ sẽ gợi ý để con vẽ những thứ mình thích. Khi con nói không, đừng ép trẻ vì lúc đó bé đã không thích nữa rồi, có cố cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn