Em có dự định sinh con không?

14:45 | 26/04/2021;
Bước vào bàn phỏng vấn, chị Nhung bị "dội ngay gáo nước lạnh" vào đầu bằng câu hỏi đó của nhà tuyển dụng.

Hụt hẫng với câu hỏi của nhà tuyển dụng, chị Nhung cũng giảm hẳn sự mặn mà vào đây làm việc. Chị không nghĩ, một công ty chuyên nghiệp lại có định kiến giới lớn như vậy.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, trình độ ngoại ngữ tốt, nên nếu nói Nhung khó khăn trong vấn đề tìm việc làm là không đúng. Cũng có không ít công ty nước ngoài mở cửa chào đón Nhung đến làm việc, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên cô vẫn chưa đồng ý. Cô lại thích thử sức mình bằng việc nộp hồ sơ xin việc vào nhiều công ty. Với Nhung, đó là một sự trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ.

Nhung nhớ lại, ngày đó cô bị "hớp hồn" bởi những thông tin tuyển dụng của công ty mà cô đang định ứng tuyển. Mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc cũng rất "xanh" đúng gu với một cô gái trẻ, năng động như Nhung. Một tuần sau khi gửi hồ sơ, Nhung tự tin khi được gọi mời đến phỏng vấn. Lựa cho mình bộ váy ưng ý nhất để đi phỏng vấn, trong đầu cô đã hình dung đến những ngày tháng được làm việc ở công ty này. Con đường từ nhà cô đến văn phòng công ty vì thế dường như ngắn lại.

Em có dự định sinh con không - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đến lượt mình, Nhung tự tin bước vào phòng phỏng vấn. Thế nhưng, khi nhận được câu hỏi như đề cập ở trên, Nhung khá bối rối. Mới ra trường, Nhung chưa nghĩ đến việc lập gia đình, chứ chưa nói đến sinh con.

Vị tuyển dụng sau đó giải thích thêm với Nhung, quy định của công ty là không tuyển người mang bầu. Nếu muốn làm việc lâu dài ở công ty thì phải cam kết trong 3 năm đầu không sinh con. Bởi, đây là khoảng thời gian nhân sự cần chứng minh năng lực của mình, cần cống hiến nhiều nhất, nếu sinh con sẽ mất đi ít nhất 6 tháng. Chưa kể trước và sau đó cũng sẽ làm việc không được hiệu quả.

Mặc dù chưa có ý định lấy chồng vào thời điểm đó, nhưng những câu hỏi về việc sinh con, những quy tắc mà họ đặt ra khiến Nhung không khỏi suy nghĩ. Vì sao họ lại phân biệt giới như vậy? Làm mẹ là điều mà phụ nữ nào cũng tự hào, vậy sao công ty lại coi đó là một điểm yếu, điểm trừ khi tuyển dụng? Những câu hỏi đó cứ nhảy múa trong đầu cô.

Cuối cùng, Nhung đã quyết định từ chối làm việc ở công ty đó, dù mức lương rất hấp dẫn. Đơn giản vì cô muốn chứng minh rằng, phụ nữ dù sinh con vẫn có thể làm rất tốt công việc của mình.

Một thời gian sau, khi đã yên bề gia thất, làm mẹ của 2 nhóc xinh xắn, trong lần đi ký hợp đồng cùng sếp, Nhung nhận ra đối tác chính là người đã "dội gáo nước lạnh" vào Nhung năm nào.

Cuộc ký kết thành công, 2 người cũng nhận ra nhau trong sự ngạc nhiên. Khi biết Nhung giờ là trợ lý Tổng giám đốc, là một trong những nhân sự xuất sắc của công ty, vị sếp năm nào không giấu được sự tiếc nuối. Đặc biệt, khi biết 5 năm qua, Nhung đã là mẹ của 2 nhóc xinh xắn.

"Định kiến giới kiểu như trên không hiếm trong nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nhà tuyển dụng thường ngầm định một cách sai lạc rằng các bà mẹ thì có mức độ cam kết và năng lực làm việc thấp hơn. Kết quả là, trong công việc, các bà mẹ thường có ít cơ hội hơn và bị đòi hỏi cao hơn nam giới", Nhung chia sẻ.

Chúng ta dễ rơi vào cái bẫy định kiến rằng những phụ nữ có con thì không có hứng thú nhiều với công việc, nên ta cho rằng họ không muốn nhận một nhiệm vụ mang tính thử thách cao hay tham gia vào một chuyến công tác xa và dài ngày. Và chính bởi ta cho rằng mức độ cam kết của họ không cao, nên khắt khe với họ ngay cả khi họ mắc những lỗi lầm hoặc thiếu sót nhỏ.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn