'Em là bà nội của anh' không được tranh giải Cánh diều vàng 2017

11:59 | 16/03/2017;
Năm nay, trong số 19 bộ phim tranh giải Cánh Diều vàng Phim truyện nhựa xuất sắc, không có phim nào do Nhà nước đầu tư sản xuất. Ban tổ chức vẫn không chấp nhận những phim kịch bản nước ngoài được Việt hóa, dù rất thành công như 'Em là bà nội của anh'.

Điểm mới của giải Cánh Diều vàng năm nay chính là sự xuất hiện của các phim xã hội hóa trong danh sách tranh giải. Các bộ phim xã hội hóa ngày càng lan rộng, biến thị trường điện ảnh trở nên đa dạng, phong phú. Cụ thể là chỉ trong năm 2016 đã có tới 50 phim Việt ra rạp.

3.jpg
Phim 'Cha cõng con' dù ra mắt từ năm 2015 vẫn được quyền tranh giải Cánh diều vàng năm nay

Có 2 bộ phim ra mắt từ cuối năm 2015 vẫn nằm trong danh sách xét giải năm nay là “Cha cõng con” và “12 chòm sao vẽ đường cho hươu chạy”. Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam - Trưởng ban tổ chức - trả lời, sở dĩ có tiền lệ này là bởi nhiều phim tránh giải thưởng vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu. Chính vì thế, năm nay thời hạn trao giải của Cánh Diều cũng được nới xa hơn, vào tháng 4 chứ không phải là giữa tháng 3 như mọi năm. “Nhiều phim chưa ra rạp nhưng đã có giấy phép phổ biến thì vẫn hợp lệ để tham dự”, ông Hải cho biết.

Trong giải Cánh Diều vàng năm nay, các bộ phim Việt hóa từ kịch bản gốc của nước ngoài vẫn không được tham gia tranh giải, nhằm khuyến khích cho phim Việt. Như với phim “Em là bà nội của anh”, dù đạt doanh thu “khủng”, được nhiều người yêu mến nhưng vì được chuyển thể từ kịch bản của Hàn Quốc nên vẫn không có quyền dự thi. Hay như với phim “Vệ sĩ Sài Gòn” do đạo diễn Nhật Bản thực hiện cũng đang bị cân nhắc loại khỏi hạng mục Phim truyện điện ảnh. Tuy nhiên, các nghệ sĩ người Việt tham gia vẫn có thể tranh giải ở hạng mục cá nhân.

1.jpg
Dù rất thành công nhưng phim 'Em là bà nội của anh' vẫn không được tranh giải Cánh diều vàng vì là phim Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc

Từ ngày 3/4 đến 7/4, 19 phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều vàng năm nay sẽ được trình chiếu miễn phí tại 5 cụm rạp ở TP.HCM gồm: Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh. Khán giả muốn xem phim nhận vé mời miễn phí từ ngày 1/4 tại các cụm rạp đó.

Lễ trao giải thưởng Cánh Diều năm nay sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 9/4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (quận Tân Bình, TPHCM) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. 

Các bộ phim tranh giải Phim truyện điện ảnh xuất sắc - giải Cánh diều năm nay:

Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng)

Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn)

Sút (đạo diễn Việt Max)

Tấm Cám chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân)

Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân)

Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn)

Sài Gòn anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng)

Bảo mẫu siêu quậy 2 (đạo diễn Lê Bảo Trung)

Sứ mệnh trái tim (đạo diễn NSƯT Đỗ Đức Thịnh)

Chờ em đến ngày mai ( đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)

12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng)

Truy sát (đạo diễn Ngô Quốc Cường)

Nàng Tiên có năm nhà (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu)

Lộc phát (đạo diễn Lê Bảo Trung)

Phim trường ma (đạo diễn Vũ Thái Hoà)

Cao thủ ẩn danh (đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam)

Tik Tak anh yêu em (đạo diễn Trần Kamy)

Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu (đạo diễn Nguyễn Hoàng Phúc)

Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai).​

Cánh Diều vàng là giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam, được tổ chức đầu tiên vào năm 2002. Giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân, tập thể có cống hiến xuất sắc cho điện ảnh nước nhà trong suốt 1 năm qua.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn