'Em vẫn tin là anh ấy sẽ về'

15:15 | 28/06/2016;
“Dù đồng đội đã tìm thấy thi thể anh, nhưng không hiểu sao, em vẫn không thể tin anh đã mất. Chưa ngày nào em thôi chờ đợi anh về” – người vợ trẻ của Thiếu tá phi công Nguyễn Văn Chính chia sẻ.
phi-cong2.jpg
"Em không thể tin, có một ngày em mất anh ấy dễ đến thế" 

Khi người dân cả nước đang dõi theo từng giờ, từng phút tin tức về 2 chiếc máy bay vừa gặp nạn; khi hàng nghìn người dân đang chia sẻ nỗi mất mát chung của đất nước, thì trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở khu tập thể nép mình ở góc Hà Thành, người phụ nữ trẻ ấy vẫn khiến khách lạ ngỡ ngàng. Trên nét mặt đẹp như vẽ của chị hiện rõ đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ nhiều đêm, vì khóc lặng đêm khuya một mình, nhưng chất giọng vẫn nhẹ nhàng, rắn rỏi: “Từ ngày yêu và lấy anh, em xác định rõ sự thiệt thòi xa vắng chồng, vì là vợ bộ đội. Biết rõ là nghề phi công rất nguy hiểm, nhưng em tin vào kinh nghiệm bay của anh ấy. Như mọi chuyến bay trước đây, cứ bay xong, hạ cánh là anh lại điện thoại nói đã hạ cánh an toàn… em không thể tin, có một ngày em mất anh ấy dễ đến thế”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chính là chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (1 trong 9 chiến sỹ hy sinh trên chiếc máy bay CASA -212 gặp nạn ngày 16/6 vừa qua) đã để lại trong lòng người vợ trẻ và 2 cô con gái nỗi thiếu vắng đến tột cùng. Cô con gái đầu tên Vân Anh (SN 2005), hôm biết tin máy bay của bố gặp nạn, ngồi lặng lẽ khóc trên gác xép, và cho đến nay đã 10 ngày cô bé không ra ngoài sân chơi đùa như trước. Chị Huyền chỉ biết vuốt tóc và ôm con vào lòng: “Mẹ ơi, con nhớ bố lắm”, mà chị biết dẫu trái tim mình có yêu con đến nhường nào cũng không thể bù đắp nổi. Cô bé ngày nào cũng lên mạng đọc mọi tin tức về bố và lưu lại tất cả tấm hình có bố vào điện thoại. Còn cô con gái nhỏ mới 5 tuổi vẫn ngơ ngác nhiều người ghé thăm căn nhà nhỏ của mình, thi thoảng cô bé ôm mẹ hỏi: “Mẹ ơi, mấy ngày nữa thì bố về? Sao lần này bố đi bay lâu thế, không gọi điện thoại về cho con?”. Chị Huyền lại ôm con vào lòng, vỗ về: “Con ngoan, bố bay xong sẽ về thôi”.

phi-cong3.jpg
 Chị Thu, người hàng xóm sang chia sẻ nỗi đau với chị Huyền

Anh Chính yêu chiều 2 cô con gái nhiều lắm. Tối nào cô con gái nhỏ cũng đợi tiếng xe máy của bố về đến cửa là ào ra: “A bố về. Con chào bố Chính”, rồi cả 3 bố con quấn quýt đùa vang cả xóm. Hơn 10 ngày nay, cứ tối đến là con bé lại ra cửa ngóng tiếng xe của bố. Chị Huyền, vợ anh Chính cũng cho biết, từ khi nhận được tin anh mất, ông bà nội ngoại 2 bên đều rất buồn. Tuy vậy, cả 2 ông nội và ngoại đều từng hoạt động trong quân ngũ, nên ông ngoại thì túc trực luôn ở nhà con gái từ ngày đầu. Còn ông Nguyễn Văn Chiến (70 tuổi, bố anh Chính) cứ 1- 2 ngày về quê nhà ở xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) lo động viên sức khoẻ của bà Khổng Thị Sính (67 tuổi, mẹ anh Chính), xong lại ngược lên Hà Nội lo cho con dâu và 2 cháu nội. Mọi nỗi đau, dường như ông nén cả vào trong, chỉ thấy 2 mắt và gương mặt ông hóp lại từng ngày.

Anh Chính là người con thứ 2 của ông bà. Ngoài anh Chính, ông bà còn có con trai cả và cô con gái út. Là người con thứ, nhưng anh Chính mang vóc dáng cao ráo, to khoẻ nhất nhà. Là người sống tình cảm, vui tính, nên mỗi dịp về quê là Chính luôn mang niềm tự hào, niềm vui về cho bố mẹ và gia đình.

Chị Huyền cho biết, trước khi bay chuyến Casa, anh Chính vừa mới thực hiện bay 2 chuyến ra Trường Sa. Trong chuyến bay thứ 2 ra Trường Sa, anh có nói với vợ: “Không hiểu sao lần này anh thấy hơi run…”. Lần đầu tiên thấy chồng nói về nghề yêu thích của mình như vậy, nhưng chị vẫn tin anh sẽ bay thành công, chị bảo chồng: “Anh cứ bay đi, sẽ không sao đâu. Bay xong rồi về với mẹ con em nhé”. 1 ngày sau, anh đã trở về Hà Nội an toàn.

Trước ngày thực hiện chuyến bay định mệnh, anh Chính đã thực hiện được lời hứa suốt nhiều năm với vợ con là đưa cả nhà đi nghỉ mát ở Đà Nẵng. Chị Huyền kể: “Đúng hôm biết tin chiếc máy bay Su 30 gặp nạn, cả gia đình em cùng lên chùa Linh Ứng và chùa Non Nước để cầu bình an cho anh Khải và anh Cường”. Lần đầu tiên anh đưa vợ con đi chơi, nên cũng tiện thể đến thăm nhiều gia đình bạn bè cùng học trường Không quân trước đây. Vì bữa cơm sum họp với nhiều gia đình bạn bè mà anh lỡ kế hoạch đưa 2 con gái đi xem chương trình rồng phun lửa ở khu du lịch. Con gái lớn phụng phịu với bố, anh hứa với con gái yêu: “Để sang năm bố có tiền, sẽ lại cho 2 con vào đây chơi để xem rồng phun lửa nhé”.

Không ngờ, lời hứa này với con gái nhỏ của anh đành bỏ ngỏ. Chuyến đi nghỉ mát với vợ con lần cuối cùng như thay lời chào vĩnh biệt với mái ấm nhỏ yêu thương của mình. Anh lặng lẽ để lại dư âm hạnh phúc, sự ấm áp trong lòng vợ con, bạn bè, người thân, như bù đắp phần nào sự tảo tần, bươn bả làm thêm mỗi ngày của vợ hiền để chu toàn việc nhà cho anh yên tâm công tác, cũng như nỗi thiếu vắng anh suốt nhiều ngày để thực hiện nhiệm vụ của người lính với đất nước.

Chị Huyền chăm chú ngắm bức ảnh chụp hình chiếc máy bay Casa – 212 màu xanh treo trên tường, cố ngăn dòng nước mắt chỉ trực trào ra trên gương mặt mỏi mệt: “Anh ấy là người chồng, người cha mẫu mực, luôn đầy ắp tình cảm, chỉ vì không may mắn, nên anh không về được với vợ con nữa thôi”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn