Có thể khó tin nhưng vào những năm đầu của thế kỷ 21, hiếm có biên tập viên nào giơ máy ảnh lên để chụp ảnh người mẫu trên sàn runway dù họ có được tấm vé front-row danh giá. Đây gần như đã trở thành một "quy định" bất thành văn mà ai cũng ngầm tuân theo.
Tuy nhiên, vào nửa sau những năm 2000, các fashion blogger đã thay đổi điều đó. Những blogger thời trang - "biệt đội du kích" đã sử dụng các chiếc máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh để ghi lại những bức ảnh và thước phim ngay trên sàn runway - điều mà trước đây hoàn toàn chưa từng có tiền lệ.
Thế hệ blogger đầu tiên như Bryan Yambao (Bryanboy), Susanna Lau (Susie Bubble), Tavi Gevinson hay Scott Schuman là những gương mặt tiên phong mở ra kỷ nguyên vàng của fashion blogger bằng những quy tắc và chiến lược xây dựng hình ảnh bản thân. Họ thu hút người hâm mộ bằng sự hiểu biết, quan điểm cá nhân độc đáo và cách tận dụng công nghệ để có thể tiếp cận tới tệp khán giả mục tiêu.
Không quá lời khi nói thế hệ các blogger đầu tiên kể trên đã tạo nền móng vững chắc cho văn hoá influencer vô cùng phổ biến và thịnh hành ngày nay.
Làng thời trang cũng thể hiện sự yêu mến "không thể che giấu" với các fashion blogger trong thời gian này. Năm 2008, Marc Jacobs đã đặt tên cho một chiếc túi xách trong BST Thu/Đông 2008 là BB - viết tắt theo tên của Bryanboy vì yêu thích gu nổi bật và cá tính độc đáo của blogger này. Đến năm 2009, Domenico Dolce và Stefano Gabbana mời những cái tên như Bryanboy, Tommy Ton, Schuman và Garance Doré xuất hiện trên trên hàng ghế đầu show diễn của mình.
Theo nhiều khía cạnh, việc này đã thu hút sự chú ý của truyền thông, những hàng tít nối đuôi nhau xuất hiện trên các tờ báo lớn: "Hàng ghế đầu của các blogger khuấy đảo Tuần lễ thời trang"", "Fashion Blogger chiếm trọn hàng ghế trung tâm".
Kỷ nguyên vàng của các fashion blogger bỗng nhiên gặp phải "điểm chững" là khi các biên tập viên thời trang nhận ra rằng "thế lực" có lượng độc giả trung thành lên tới nửa triệu người này có nguy cơ làm đảo lộn hệ thống phân cấp truyền thống trong “lãnh địa” của họ. Năm 2010, một phóng viên từ Grazia đã nói rằng cô ấy không hài lòng vì bị che khuất tầm nhìn bởi trang phục của một fashion blogger ngồi ở hàng ghế đầu trong show diễn Haute Couture của Christian Dior.
Và họ, các BTV thời trang đã sử dụng chính mạng xã hội - thế mạnh của các fashion blogger, để lấy lại thế thượng phong trong "cuộc chơi" này. Sử dụng lợi thế của việc là "insider" (người trong ngành) với nguồn tin độc quyền và bất tận; đồng thời tận dụng sức mạnh của social media, khoảng cách giữa các BTV thời trang "sừng sỏ" và các fashion blogger đã bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện của một thế hệ influencer, TikToker và KOL, với sự trợ giúp của MXH cùng những cá tính nổi trội không hề kém cạnh, dường như đã khiến vị trí độc tôn của các fashion blogger trong thế giới thời trang bị "lung lay" ngay cả khi nhóm “đối thủ” này không thực sự hoạt động trong làng mốt.
Sự trở lại của "thế lực" fashion blogger với những quan điểm chân thật, đôi khi có phần "phũ phàng", lại là điều mà khán giả khao khát được tiếp cận trong kỷ nguyên số. Bỏ đi những layer hào nhoáng, các fashion blogger với cá tính độc đáo và quan điểm cá nhân được hình thành từ kiến thức thời trang vững vàng đã và đang trở thành một "nguồn tin" được cộng đồng yêu thời trang tìm đến.
Sử dụng các nền tảng MXH được ưa chuộng như TikTok, Twitter và Instagram, các fashion blogger có thể tiếp cận tới tệp khán giả tiềm năng nhanh hơn đồng thời tăng khả năng xây dựng mối quan hệ lâu dài với các nhãn hiệu thời trang cao cấp.
Nếu là một người yêu thời trang chịu khó "lăn xả" trên MXH, chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe tới cái tên @ideservecouture của blogger Hanan Besovic . Chiếm trọn trái tim của khán giả với nhãn quang độc đáo và sự duyên dáng trời sinh, nam blogger được coi như một chuyên gia sáng tạo nội dung trong lĩnh vực thời trang, chia sẻ kiến thức và nghiên cứu của mình về thế giới thời trang qua một lăng kính hài hước châm biếm. Thông điệp của Besovic rất đơn giản: đừng cố gắng biến mọi thứ trở nên phức tạp. Đó là lý do tại sao @ideservecouture có thể "chạm" tới nhiều khán giả như vậy.
Chiara Ferragni là một trong những trường hợp fashion blogger thế hệ đầu vẫn vững vàng trong "cuộc chơi thời trang" nhờ phong cách thời trang thời thượng, tư duy hiện đại cũng như không ngừng trau dồi và làm mới bản thân. Cô được nhiều tạp chí gọi với danh xưng là người phát ngôn của thời trang Ý thời đại mới. Chiara từng được tờ New York Times vinh danh "blogger có phong cách thời trang đột phá của năm" vào năm 2010. Cũng trong năm này, cô cho ra mắt thương hiệu giày của riêng mình, nhận được nhiều phản ứng tích cực từ giới mộ điệu. Có thể nói, sức ảnh hưởng của Chiara Ferragni trong thời trang không hề thua kém những ngôi sao có mặt trên hàng ghế front row tại các show diễn danh tiếng. Cô cũng thiết lập mối quan hệ thân thiết với các nhà mốt danh tiếng có thể kể tên như Dior, Louis Vuitton, Hermès,...
Trong chuỗi Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2024 vừa qua, Bryanboy đã có cho mình một khoảnh khắc viral trên các nền tảng mạng xã hội khi một tay "dẹp loạn" người biểu tình trái phép tại show Hermès. Thậm chí, cư dân mạng còn cho rằng khoảnh khắc iconic nói trên của Bryanboy được bàn tán nhiều hơn cả những thiết kế mới nhất được trình làng trong show diễn ngày hôm đó.
Có thể nói, các fashion blogger sở hữu cho mình lượng lớn người hâm mộ bằng việc tiếp cận tới khán giả bằng những quan điểm về thời trang được lồng ghép với cá tính độc đáo. Điểm chung của họ là những bài viết cung cấp kiến thức về thời trang qua lăng kính đậm chất cá nhân không thể "trộn lẫn". Với nền tảng kiến thức cùng cá tính mạnh mẽ, lực lượng fashion blogger là một "đội ngũ những người làm thời trang đặc biệt" không thể thiếu trong kỷ nguyên số 4.0.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn