Tàu điện cao tốc từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Trung Quốc, chạy xuyên qua hầu hết khu vực cả nước và vươn tầm thế giới. Mặc dù tàu cao tốc đã phát triển và trở nên phổ biến nhưng vẫn còn một phương thức giao thông "lạc hậu" hơn, nhưng vẫn thu hút số lượng hành khách cực lớn.
Trên thực tế, trước khi tàu cao tốc phát triển, tàu hỏa là lựa chọn hàng đầu của người dân. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đường sắt cao tốc đã dần chiếm lĩnh thị trường tàu hỏa.
Tàu hỏa đang dần bị con người lãng quên. Xét cho cùng thì dịch vụ của tàu cao tốc tiện lợi hơn rất nhiều so với tàu hỏa.
Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người ta ngại đi những phương tiện di chuyển với tốc độ chậm như tàu hỏa. Nhưng thực tế, tàu hỏa vẫn có nguồn "khách quen" trung thành. Đó chính là những người dân nông thôn và bộ phận người có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Mặc dù tốc độ của tàu hỏa tương đối chậm, nhưng đối với những người thích tiết kiệm và sống giản dị, giá tàu vẫn rất hợp lý.
Tuy nhiên, đa số hành khách lại không thích ăn đồ ăn trên tàu và chỉ dùng thức ăn mình mang theo. Vì sao lại như vậy?
Người dân lên tàu về quê. Ảnh: Sohu
Mặc dù phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng đang không ngừng phát triển. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc đi du lịch thường chọn máy bay và tàu điện cao tốc, vì cung cấp các dịch vụ tốt hơn và tốc độ di chuyển nhanh hơn, vừa tiết kiệm thời gian vừa tận hưởng cuộc sống.
Song, đại đa số người nông thôn và người có thu nhập thấp đến trung bình vẫn ưa chuộng đi tàu hỏa, nhất là trong những dịp lễ Tết về quê thăm nhà.
Vé tàu hỏa tương đối rẻ. Chúng ta đều biết, người nông thôn kiếm tiền không hề dễ dàng, nên họ thà chịu thiệt một chút, chấp nhận ngồi đường xa và tốn thời gian, chứ không nỡ lòng bỏ ra số tiền lớn hơn để đi máy bay.
Do đó, họ rất tiết kiệm trong các chi phí sinh hoạt, ăn mặc, chỗ ở và đi lại. Cứ thế, mặc dù đường cao tốc có thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng, nhưng Trung Quốc tiếp tục duy trì hoạt động của tàu hỏa để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.
Trung Quốc là đất nước sở hữu lãnh thổ rộng lớn nên hành trình đi tàu hỏa kéo dài 1-2 ngày, thậm chí gần 1 tuần hoàn toàn là chuyện bình thường. Theo đó, hành khách phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, chăn mền, quần áo giữ ấm phòng cho trường hợp thời tiết lạnh giá vì trên tàu hỏa thông thường không có điều hòa hay máy sưởi.
Những ai thường đi tàu hỏa ở Trung Quốc chắc chắn thấy một hiện tượng như thế này. Mặc dù trên tàu luôn phục vụ bữa ăn, nhưng đa số hành khách đều không mua và chỉ ăn những thứ mang theo.
Người thì xì xụp ly mỳ ăn liền, người thì ăn tạm cây xúc xích, gói bánh quy, thậm chí có người còn vui vẻ thưởng thức hộp cơm mình tự nấu. Đây cũng là những món dễ tìm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thậm chí là tiệm tạp hóa bên đường. Người ta có thể ăn trực tiếp sau khi lên tàu và tàu hỏa luôn có đủ nước nóng cho hành khách.
Song, trên thực tế, tàu hỏa luôn chuẩn bị cho hành khách một số suất ăn nóng, chẳng hạn như cơm hộp với đầy đủ dinh dưỡng, các loại nước uống đặc biệt, trái cây... Đương nhiên, phần cơm này tốt hơn nhiều so với những loại mỳ ăn liền.
Trên tàu có sẵn thức ăn và nước uống, vậy tại sao người nông thôn phải cực khổ tự chuẩn bị thêm thức ăn, mặc cho hành lý mang theo vốn dĩ đã rất cồng kềnh như vậy?
Cuối tuần, đặc biệt là dịp lễ Tết, năm mới, trạm tàu hỏa Trung Quốc lại biến thành "thiên đường mỳ ăn liền". Vừa mới bước vào cổng ga tàu, bạn sẽ ngửi thấy ngay mùi mỳ gói đậm đặc.
Người ngồi trên ghế ăn vội ly mỳ nóng để kịp chuyến tàu. Đứa bé thổi bát mỳ đặt trên chiếc thùng tạm bợ để ăn dễ dàng hơn. Người mẹ thổi mì cho con trẻ đang đói bụng... Cảnh tượng đầy mùi vị nhân gian.
Song, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người không chọn tàu hỏa để làm phương tiện di chuyển.
"Đang buồn ngủ mà bị mùi mì gói làm thức giấc".
"Đi một chuyến tàu mà trên người đầy mùi mỳ gói".
"Vốn nghĩ sẽ được yên ổn về đến nhà nhưng không. Đông người, đầy mùi người, giờ lại còn chịu đựng thêm mùi mỳ"...
Có lẽ đối với một số người, đứng trong bầu không khí có vẻ quê mùa và đầy mùi của những cốc mỳ rẻ tiền như thể là một cực hình. Nhưng đối với người có thu nhập không cao, những cốc mỳ này đã giúp họ ấm bụng, tạm thời quên đi cơn đói. Nó là sự lựa chọn hàng đầu, phù hợp theo tiêu chí "nhanh gọn, ngon miệng, rẻ tiền", hơn hẳn so với suất cơm nóng trong trạm tàu.
Kinh tế của người nông thôn, người có thu nhập trung bình và thậm chí là đông đảo học sinh sinh viên thường ở trong tình trạng eo hẹp, nên việc chuẩn bị thức ăn cho chuyến hành trình xa chắc chắn là cách để họ có thể tiết kiệm.
Hơn nữa, một bữa ăn bình thường mua ngoài tiệm bên đường chỉ 30-40 tệ (khoảng 100-140 nghìn đồng), nhưng suất ăn trên tàu hỏa lại đắt gấp 2-3.
Có lẽ đối với nhiều người có thu nhập cao ở thành thị, số tiền này chẳng đáng là bao. Đối với bộ phận người này, việc cho mình bữa ăn ngon lúc nào cũng quan trọng hơn giá cả, tận hưởng cuộc sống quan trọng hơn vật chất. Nhưng đối với người lao động thì đó lại là vấn đề khá lớn. Họ rất xót xa khi phải chi ra số tiền này cho một bữa ăn bình thường như vậy.
Chúng ta đều biết, tàu hỏa là dịch vụ giao thông phổ biến nên vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đảm bảo. Nhưng xét theo tâm lý, không có gì an toàn bằng đồ mình tự mang theo. Đó là còn chưa xét đến việc thức ăn chưa chắc đã hợp khẩu vị. Nên hành khách thà rằng ăn tạm túi bánh quy khô khan hoặc thậm chí nhìn đói, còn hơn phải ăn thứ mình không chắc chắn hợp vệ sinh.
Cuối cùng, với hành khách đi đường dài thì cơm hộp có lẽ là một trong những lựa chọn để suy xét. Nhưng với người chỉ đi hành trình ngắn thì việc mua cơm hộp trên tàu là điều không cần thiết. Vì vậy, họ thường dằn lòng để về nhà hoặ xuống tàu đến hàng quán thưởng cho mình bữa ăn ngon miệng hơn.
(Nguồn: Sohu, 163)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn