Gần 100% lao động giúp việc gia đình không tham gia BHXH

20:12 | 18/12/2018;
Tại các thành phố lớn, số lượng phụ nữ làm giúp việc gia đình ngày càng tăng cao, tuy nhiên, có tới 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội và chỉ có 19,5% là có bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) mới đây, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới trên 98% là phụ nữ, trong đó khoảng 75% là người di cư và có tới trên 96% lao động giúp việc chưa qua đào tạo. Lao động giúp việc cũng có trình độ học vấn khá thấp, 77% lao động chỉ học từ tiểu học đến trung học cơ sở.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, với “nền tảng” đó, đại đa số người giúp việc gia đình chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình. Cùng với đó, có đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội; trên 91% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên và chỉ có 19,5% có bảo hiểm y tế.

Cũng theo khảo sát của Trung tâm này, gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư – M.net, khẳng định: Lao động di cư rất hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội. Trên thực tế hiện nay, để đảm bảo quyền lợi tiếp cận, thụ hưởng an sinh xã hội cần cơ sở pháp lý chính là hợp đồng lao động bằng văn bản.

Cùng với đó, việc thực thi chưa tốt những quy định liên quan tới ký kết hợp đồng lao động, trước tiên phải nói tới ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Phần lớn người lao động di cư như người giúp việc gia đình, công nhân của các công trình xây dựng, lái xe Grab… lại rất thờ ơ với chính quyền lợi của mình.

Thậm chí, nhiều chị em lao động giúp việc gia đình còn tìm cách… né tránh tất cả những vấn đề về mặt pháp lý để giảm thiểu chi phí. Trong khi họ không hiểu đó chính là cơ sở pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho cả 2 bên người lao động và chủ sử dụng; đồng thời là cam kết trong việc thực hiện đảm bảo an sinh cho người lao động, ví dụ như mua BHYT cho người lao động, chế độ nghỉ khi ốm đau, tai nạn lao động...

giup-viec-gia-dinh2.jpg
Có đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Bộ luật Lao động đã quy định khá một số nội dung liên quan tới người giúp việc gia đình, trong đó có việc ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Tuy nhiên, lỗ hổng khá lớn là về vấn đề giám sát thực thi luật; thiếu bộ máy giám sát, đặc biệt ở xã phường rất ít nhân lực cán bộ quản lý lĩnh vực lao động. Trong khi đó, lao động trong lĩnh vực này có hàng ngàn người, lại có đặc thù “ẩn sâu trong mỗi gia đình”.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Thu Giang, hiện nay vẫn đang duy trì cách quản lý rất cổ điển là bằng con người, địa chỉ cụ thể thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trong khi người di dịch cư luôn có sự biến động và nhiều loại hình quản lý lao động mới xuất hiện nhờ công nghệ (như Grab, giúp việc theo giờ quản lý bằng điện thoại thông minh)… Chính điều này cũng tạo ra rào cản để người lao động “bỏ qua” vấn đề an sinh, tham gia BHXH.

Việt Nam đã ban hành một số quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình, như: Bộ luật Lao động năm 2012, Mục 5 (từ Điều 179-Điều 183) có quy định rõ điều khoản về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động và trách nhiệm giải quyết các vấn đề lao động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn