Bài 1: Mòn mỏi mong ngóng nhà tái định cư
Mùa mưa lũ lại đang cận kề, nhiều hộ dân sống bên dòng Huồi Giảng, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, lại như ngồi trên lửa. Sau cơn lũ quét lịch sử vào tháng 10/2022, nhiều hộ dân đã phải dựng tạm nhà để sống, chờ đợi được tái định cư. Trớ trêu là "dự án cấp bách" đã kéo dài gần 2 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Nhiều đêm mưa lớn, lo lũ về không sao chợp mắt được
Trở lại vùng tâm lũ bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, sau gần 2 năm, không còn khung cảnh đổ nát, hoang tàn như khi lũ vừa đi qua. Dòng suối Huồi Giảng đã trong xanh và êm đềm nhưng "dấu tích" của cơn lũ dữ vẫn còn hằn nguyên trên những vết sạt kéo dài hay nhiều nhà dân chỉ còn trơ trọi lại mỗi cái nền gạch.
Trong bóng chiều loang lổ, bế đứa con nhỏ đứng trên nền gạch xi măng bên dòng Huồi Giảng, chị Lô Thị Thủy buồn rười rượi cho biết: "Nhà tôi từng ở đây, ngôi nhà xây khang trang vậy mà sau một đêm lũ đã cuốn trôi sạch, giờ chỉ còn lại mấy mét nền nhà. Gần 2 năm nhưng tôi vẫn chưa vơi được nỗi buồn. Bao nhiêu công sức của cả 2 vợ chồng đã trôi sạch theo dòng nước, gia đình trắng tay".
Cách nhà chỉ Thủy vài chục mét là nhà mẹ chồng - bà Ngân Thị Tâm (73 tuổi). So với nhiều nhà trong xóm, bà Tâm được xem là khá may mắn bởi sau lũ, nhà bà vẫn… giữ được bộ khung gỗ, còn ván bao xung quanh và toàn bộ tài sản trong nhà đã trôi hết. "Tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Hai cô con gái đi lấy chồng xa, trong khi các con trai lập gia đình đều ra ở riêng cạnh nhà. Trận lũ đã khiến nhà của các con trôi hết, may mắn nhà tôi vẫn còn bộ khung nhưng đến cái chén, cái bát cũng chẳng còn", bà Tâm kể lại.
Bà Tâm bảo, từ nhiều đời nay, người dân vẫn sống yên ổn bên dòng Huồi Giảng, thế nên trận lũ lớn vào tháng 10/2022 đổ về quá bất ngờ, không ai kịp trở tay. Bà Tâm may mắn được các con cõng chạy lên ngọn núi sau nhà, thoát chết. Sau khi lũ rút, nhà còn lại mấy cái cột trơ trọi. Bà Tâm phải đi ở nhờ nhà người thân 1 tháng để cơ quan chức năng và những người bà con chòm xóm giúp sửa sang lại nhà. Lũ cuốn mất nhà nên gia đình chị Thủy gồm 4 người cũng phải về tá tục tạm trong nhà bà Tâm. Trong khi đó, gia đình người con trai khác phải ra thị trấn Kỳ Sơn thuê nhà để ở.
"Ngôi nhà gỗ tôi làm từ năm 2000 vốn đã cũ kỹ, xuống cấp, sau lũ lại càng thê thảm. Vì không biết đi đâu nên ban đầu cứ nghĩ sửa tạm để ở trong thời gian ngắn rồi sẽ đến khu tái định cư. Thế nhưng đã 2 năm rồi, gia đình tôi vẫn sống tạm như thế. Chính quyền nói người dân chờ thêm thời gian nữa nhưng chờ đến bao giờ?
Muốn sửa nhà cũng không dám vì sợ sửa xong lại bắt di dời nên mất tiền. Năm ngoái, thời điểm mùa mưa, tôi vô cùng lo lắng. Nhiều đêm mưa lớn, lo lũ về không sao chợp mắt được. Nay mùa mưa nữa lại sắp đến rồi, những ngày tới không biết sẽ thế nào?", bà Tâm lo lắng.
Đắng cay tuổi xế chiều
Ở bàn Hòa Sơn, xã Tà Cạ, vợ chồng bà La Thị Mai và ông Lô Trọng Hải từng có một cuộc sống khiến nhiều người mơ ước. Bà Mai là giáo viên về hưu, ông Hải cũng có hàng chục năm công tác trong ngành bưu điện về nghỉ chế độ. Tích cóp được ít tiền, cách đây độ chục năm, vợ chồng mà Mai đã cất được ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, tọa lạc bên dòng suối Huồi Giảng.
Để cải thiện cuộc sống, vợ chồng bà Mai còn dựng thêm 2 căn nhà gỗ cho học sinh trường nội trú gần đó thuê. Tiền cho thuê nhà, cộng với tiền lương, cuộc sồng của đôi vợ chồng già khá an nhàn mà không cần sự hỗ trợ từ các con. Thế nhưng, trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào sáng sớm 2/10/2022 đã khiến vợ chồng bà Mai trắng tay. Hai ngôi nhà gỗ cho thuê đã trôi mất, ngôi nhà để ở cũng bị cát vùi và đổ sập gần như hoàn toàn.
Sau thời gian tá túc tại nhà con trai, vợ chồng bà Mai được các đoàn thể dựng cho ngôi nhà tạm trên ngọn đồi phía sau Điện lực Kỳ Sơn. Vượt qua con dốc dựng đứng, chúng tôi đến thăm vợ chồng bà Mai vào một buổi chiều muộn. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng già nằm lọt thỏm giữa vườn cây. Khi bóng nắng khuất dần sau đỉnh núi, nhà bà Mai muỗi bay như vãi trấu.
"Không thể tưởng tượng được lại có lúc vợ chồng tôi phải sống cơ cực thế này. Nhà cao cửa rộng, chăn ấm đệm êm, cả một đời người chắt chiu mới có được, thế mà mất sạch. Hôm lũ về, vợ chồng tôi già yếu chẳng chạy được nên chỉ trong chốc lát nước vây tứ phía. May có đội cứu hộ đến, họ phá cửa và cứu chúng tôi kịp thời. Lũ rút, tôi trở về thì nhà không còn nữa, nhìn cảnh tượng tan hoang tôi chỉ biết khóc. Tôi không muốn đi ở nhờ nhà con nên được chính quyền dựng tạm cho ngôi nhà lợp tôn. Nơi đây thiếu thốn đủ thứ, mùa nắng thì nóng, mùa rét thấu da thấu thịt, muỗi nhiều vô kể. Gần 2 năm rồi, vợ chồng tôi phải sống khổ sở thế này, nhiều đêm không ngủ được, nghĩ sao đời tôi lại đắng cay thế", bà Mai nói mà không kìm được nước mắt.
Ở tuổi 70, lại chịu cú sốc mất hết nhà cửa nên gần đây, sức khỏe của bà Mai yếu đi trông thấy. Bà vốn bị bệnh thần kinh, thêm phần lo lắng, mất ngủ nên bệnh ngày một nặng khiến khuôn mặt bà bị kéo đến lệch hẳn về một bên. Tình cảnh của ông Hải càng tồi tệ hơn. Ông Hải từng bị tai biến khiến giờ đi lại rất khó khăn. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Hải đang ốm. Trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập, ông thở từng hồi khó nhọc. Thấy khách đến nhà, bà Mai dìu chồng dậy nhưng vừa ra cửa ngồi được ít phút, bị muỗi tấn công nên ông phải trở vào nhà buông màn nằm nghỉ.
Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ - cho biết: Xã Tà Cạ có 4 dân tộc sinh sống, trong đó người Khơ Mú và người Thái chiếm đa số. Cả xã có 1.157 hộ và 4.590 khẩu. Trận lũ năm 2022 quét qua bản Sơn Hà và Hòa Sơn, nơi chủ yếu là đồng bào người Thái và Mông. Trận lũ đã khiến 54 căn nhà trên địa bàn sập, trôi hoàn toàn. Ngoài ra có hàng trăm hộ khác cũng bị ảnh hưởng, trong đó 27 hộ bị thiệt hại lớn, hư hỏng nặng nhà cửa.
"Không chỉ mất mát về về vật chất, cuộc sống của rất nhiều hộ dân cũng bị đảo lộn và ai cũng mong muốn sớm được an cư. Không chỉ Sơn Hà và Hòa Sơn, nhiều hộ dân ở bản Bình Sơn 1 bị sạt lở cũng mong muốn được di dời nhưng đến nay vẫn chưa được. Do khu đất được chọn để tái định cư đang vướng mắc đến đất rừng, vấn đề này đang được UBND huyện Kỳ Sơn tháo gỡ", ông Mằn chia sẻ.
Cũng theo ông Mằn, cả 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà đều ở vị trí rất cao, hàng trăm năm nay chưa từng xảy ra lũ ống, lũ quét. Đây cũng là 2 bản phát triển nhất xã Tà Cạ, đặc biệt là bản Sơn Hà. Hai bản đạt hết các tiêu chí đang chuẩn bị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì trận lũ xảy ra. Hạ tầng của 2 bản đã bị phá hết, chính quyền và người dân đều rất tiếc nuối.
"Chúng tôi đã nhiều lần chuyển ý kiến của người dân cũng như đề xuất lên cấp trên với mong muốn người dân sớm được tái định cư. Thế nhưng, cũng chưa biết chắc chắn đến thời điểm nào giấc mơ tái định cư của hàng trăm hộ dân mới thành hiện thực!", ông Mằn chia sẻ.
(còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn