Ngày 6/10, BV Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ của BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T. (50 tuổi, trú tại Hà Nội) bị hoại tử chi do sử dụng thuốc lá đắp vào vết loét ngón chân bị biến chứng đái tháo đường.
Trước đó, người bệnh vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân thứ 2 loét, mưng mủ và nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép, có nguy cơ phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ đã khẩn trương lên phác đồ điều trị kháng sinh, điều chỉnh liều insulin và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng, cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử. Quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc giữ gìn, bảo tồn cả bàn chân. Bởi vết thương tự điều trị tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá không rõ thành phần nguồn gốc dễ dẫn đến hoại tử hoàn toàn.
Điều dưỡng Đặng Thị Nga, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Cả đốt ngón chân bệnh nhân bị hoại tử bốc mùi, chăm sóc vết thương thông thường không hiệu quả, nhân viên y tế phải thay phiên nhau tiến hành chăm sóc vết thương diện đặc biệt, thay băng nhiều lần vì dịch tiết ra nhiều.
Sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính của bệnh nhân được kiểm soát, các bác sĩ tiến hành tháo bỏ ngón chân để bảo tồn được các ngón còn lại cho bệnh nhân.
Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chỉ số bạch cầu về bình thường, chỉ số đường huyết được kiểm soát.
Theo Bộ Y tế, Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin về tác động của insulin hoặc cả hai.
Theo thống kêm tại Việt Nam có hơn 3,5 triệu người đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045. Tuy nhiên, có đến hơn 70% người bị đái tháo đường không được quản lý, điều trị đúng cách.
Người bệnh đái tháo đường lâu dài sẽ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và rang; thậm chí các bệnh nhiễm khuẩn. Tại Việt Nam, nhiều người bệnh tiểu đường đã bị biến chứng tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Đáng báo động khi người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Người bệnh còn đối diện với bệnh võng mạc tiểu đường do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc, gây mù.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến các các biến chứng nặng nề ở bệnh nhân đái tháo đường là do người bệnh chủ quan không xử lý vết thương nhỏ hoặc xử lý sai cách. Người bệnh nghĩ rằng những vết thương bé sẽ tự lành theo thời gian hoặc có thể tự đắp thuốc nhưng không lường trước được nếu bị nhiễm trùng, xử lý, chăm sóc vết thương sai cách thì hoại tử chân vẫn có thể xảy ra. Đặc biệt, bàn chân, ngón chân là nơi tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn nên nguy cơ nhiễm trùng là rất cao.
Điều dưỡng Nga khuyến cáo, việc quản lý bệnh đái tháo đường đúng cách và chăm sóc bàn chân cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa biến chứng do đái tháo đường ở chân, giảm tỷ lệ cắt cụt chi.
Vì vậy, nếu như người bệnh có bất kỳ vết thương nào thì cần xử lý rửa sạch cơ bản và tới cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể đúng cách. Người dân tuyệt đối không nên tự ý bôi thuốc, đắp lá hay tiêm thuốc tại nhà bởi đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tại vị trí vết thương, rất khó để xử lý và phục hồi.
Để phòng, chống bệnh đái tháo đường, người dân nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ như: Rau, củ, quả, giảm thiểu các thức ăn chế biến sẵn và uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2,5 lít/ngày). Cùng với đó là thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể lực.
Những người có hiện tượng thừa cân béo phì thì nên quan tâm đến việc giảm cân cho phù hợp với chiều cao, cân nặng; bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia và các loại nước ngọt có ga bổ sung các loại vitamin và dùng các thảo dược có lợi để phòng tránh căn bệnh này.
Ngoài chế độ ăn và vận động phù hợp, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được các y, bác sĩ chuyên khoa tư vấn nhằm phòng, chống căn bệnh Đái tháo đường một cách hiệu quả nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn