Gần 3 tấn thảo mộc tẩm ma túy tuồn vào Việt Nam

22:23 | 06/07/2016;
Lợi dụng Việt Nam là nước xuất khẩu chè, gần 3 tấn thảo mộc sấy khô, cây chùm ngây khô, chè khô... có chứa chất ma túy đã được tuồn vào Việt Nam để vận chuyển tiếp qua nước thứ ba.
Chiều ngày 6/7, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) đã thông tin về việc triệt phá thành công một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam qua đường Bưu chính Quốc tế.

Lợi dụng Việt Nam là nước xuất khẩu chè, khi xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp này đã khai báo với cơ quan hải quan đây là cây thảo mộc sấy khô, cây chùm ngây khô, chè khô. Theo đó, các doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng từ Etiopia, Kenia, Nam Phi, tập kết về Việt Nam sau đó tìm cách chuyển sang Australia, Hà Lan, Mỹ… qua đường hàng không, bưu chính quốc tế.

Nhà chức trách thu giữ tổng số 199 kiện (194 kiện tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và 5 kiện tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài) với trọng lượng khoảng 2,5 tấn. Nếu số hàng được vận chuyển trót lọt đến các nước châu Âu hay Mỹ, sẽ có giá trị ước tính hàng triệu USD.
thao-moc.jpg
Gần 3 tấn thảo mộc tẩm chất ma túy được tuồn vào Việt Nam 
Cơ quan chức năng cho biết, ngày 15/4, lô hàng đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện với 36 kiện hàng, tổng trọng lượng khoảng 545 kg, được gửi từ Ethiopia về Việt Nam. Qua giám định của Viện Khoa học hình sự, thành phần trong mẫu giám định là cathinone, nằm trong danh mục chất ma túy, bị tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống.

Liên tiếp từ ngày 15/4 đến 28/6, Ban chuyên án phát hiện các lô hàng gửi đi các nước Mỹ, Anh, Australia hoặc hàng nhập từ một số nước về Việt Nam với nội dung khai báo "trà khô" hoặc "thảo mộc sấy khô", "chùm ngây"… Kết quả giám định mẫu cũng cho thấy có thành phần cathinone tại các lô hàng trên.

Theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, với tâm lý sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tội phạm ma túy đã "phù phép" vào lá thực vật hoạt chất XLR-11 và gọi tên là "Cỏ Mỹ". Bị nhận diện "Cỏ Mỹ" ở Việt Nam, chúng lại hướng cho giới trẻ tìm đến một lá thực vật khác, đó là lá "Khat" có nguồn gốc từ châu Phi, chứa hàm lượng Cathinone rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn