Dự Đại hội có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức, đoàn thể trung ương, địa phương.
Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: Năm năm qua, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Trong bối cảnh đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức Hội địa phương đã cố gắng, nỗ lực không ngừng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tăng cường vận động các nguồn lực xã hội, truyền thông, hỗ trợ, tư vấn về quyền trẻ em. Công tác phát triển và nâng cao năng lực tổ chức Hội tiếp tục được quan tâm. Hội đã đoàn kết, tập hợp được nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết với công tác quyền trẻ em, góp phần xây dựng Hội vững mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, từ kết quả thực tế của công tác trẻ em, chúng ta càng ý thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ quan trọng của Đại hội lần này để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm, cùng trao đổi, thảo luận, thống nhất phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới.
Đại hội có nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Điều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028l.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam hiện có 27 Hội cấp tỉnh/thành phố, 27 Chi hội, trung tâm, đơn vị trực thuộc, với hơn 110 ngàn hội viên; Mô hình tổ chức rất đa dạng: Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em...
Tại Đại hội, đại diện các đại biểu, đại diện Hội địa phương phát biểu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền trẻ em. Trong đó nhấn mạnh tới giải pháp thúc đẩy phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị liên quan chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em; tham gia các đoàn giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về trẻ em; tham gia hỗ trợ, cứu trợ, tư vấn tâm lý với các trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại...
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, 5 năm qua, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, tổ chức kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị để góp ý các chủ trương, chính sách về quyền trẻ em và giám sát thực hiện quyền trẻ em. Nhiều hoạt động có sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động thu thập ý kiến về các vấn đề của trẻ em, tổ chức các luật sự, luật gia trong công tác hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trước các vụ việc xâm hại trẻ em.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tiếp tục thu thập thông tin, phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực trẻ em, các hành vi xâm phạm trẻ em; nghiên cứu các chương trình, đề án để giải quyết các vấn đề cấp bách với trẻ em; chú trọng phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em...
Tại Đại hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ quyền trẻ em trong nhiệm kỳ 2018 - 2023; đồng thời tiến hành Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028.
5 năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, chăm lo đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó có sự đóng góp của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cán bộ, hội viên và nhiều tỉnh, thành Hội trong cả nước, cụ thể:
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến cuối năm 2020 giảm còn khoảng 7%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm, trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế;
Có 100% tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Gần 20.000 diễn đàn trẻ em các cấp được tổ chức.
Cả nước đã xây dựng được 44 mô hình Hội đồng trẻ em các cấp.
Tháng 9/2023 đã góp phần tổ chức được phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I.
Hội đã kết nối, thu thập thông tin của trẻ em như tiến hành nghiên cứu, khảo sát xã hội học, hội thảo, diễn đàn và đã có gần 40 tổ chức xã hội được lấy ý kiến với gần 7000 lượt.
Hội tham gia với các đoàn giám sát của Uỷ ban quốc gia về trẻ em, các Bộ, ngành, đoàn thể, các Uỷ ban của Quốc hội; tham gia Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" tại 12/17 tỉnh, thành phố.
Hội đã tham gia gần 300 lượt trả lời, phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em thông qua nhiều hình thức.
Hội tiếp tục duy trì 3 mô hình luật sư bảo vệ trẻ em tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 60 luật sư, luật gia là thành viên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn