Gần 300 thầy cô có nguy cơ thất nghiệp ở Hà Nội: Sở Nội vụ ra công văn hỏa tốc, giáo viên vẫn băn khoăn

16:13 | 02/04/2019;
Ngày 29/3, Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn hỏa tốc về kỳ thi công chức, viên chức giáo dục năm 2019. Song, dường như những nội dung được bổ sung chưa xoa dịu được lo lắng cho gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Có thể hiểu những lo lắng của các giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bởi trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục sắp tới, sẽ có người bị trượt, bởi dù có kinh nghiệm lâu năm nhưng vì tuổi cao, họ rất khó cạnh tranh được với những thí sinh trẻ tuổi với chương trình đào tạo mới. Trượt viên chức có nghĩa sẽ là mất việc làm, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng tới thu nhập, danh dự của bản thân.

Trước sự việc trên, ngày 29/3, Sở Nội vụ đã có công văn hỏa tốc về việc thông báo bổ sung một số nội dung tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển công chức, viên chức giáo dục năm 2019 gửi các Sở, cơ quan cấp sở, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

 

55875019_1999958003464446_7963155445965651968_n.jpg
Công văn hỏa tốc của Sở Nội vụ Hà Nội

 

Tại công văn trên, Sở Nội vụ đã nhấn mạnh 2 vấn đề chính. Trong đó chốt hạn cuối cùng để tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi là ngày 13/4/2019 và cho ứng viên được chọn 1 trong 5 thứ ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga để phù hợp với chương trình đã được đào tạo của từng giáo viên.

Sáng 2/4, trao đổi với PV Báo PNVN, đại diện cho gần 300 giáo viên ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn giữ quan điểm mong muốn được đặc xét không qua thi tuyển như quy định của Sở Nội vụ. Vị đại diện này thông tin thêm, việc áp dụng lựa chọn thêm các ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga đối với các giáo viên đã được đào tạo từ chương trình đào tạo hơn 20 năm trước là không hợp lý. Học phải đi đôi với hành, trong hơn 20 chục năm giảng dạy bậc tiểu học và trung học sơ sở tại Sóc Sơn chưa hề có thêm môn học về ngoại ngữ của mấy ngôn ngữ trên để giáo viên có cơ hội nâng cao kinh nghiệm cũng như trình độ.

Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng như điều kiện ra trường của các cơ sở đại học bây giờ khác với chương trình giáo dục các thầy cô đã được giảng dạy tại trường 20 năm trước. "Việc đó khác gì lúc bé anh được hướng dẫn tập bơi, nhưng sau quá trình sống di chuyển cạn bây giờ lại bắt anh xuống nước để chạy. Nếu trả lại cho chúng tôi đúng thời điểm mới ra trường, trả lại cho chúng tôi 20 năm thanh xuân thì chúng tôi sẵn sang chấp nhận thi sòng phẳng theo quy chế hiện hành".

Cô Đào Thị Thu Nga, giáo viên trường THCS Trung Giã, Sóc Sơn (Hà Nội), nói thêm, rõ ràng thời gian 5 năm, 10 năm đã cống hiến của thầy cô đủ sức khẳng định mình hoàn toàn xứng đáng với vị trí viên chức giáo dục. Dường như huyện cũng đã công nhận điều đó, biểu hiện là cho giáo viên hưởng đủ mọi chế độ như một viên chức. Trong số 256 giáo viên hợp đồng hiện tại, có giáo viên đã cống hiến trên 20 năm, đạt được nhiều thành tích. Có người còn đảm nhiệm các vị trí chuyên môn, công đoàn và đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 

55446939_563529577506818_2870644454316834816_n.jpg
Nỗi băn khoăn của gần 300 giáo viên trước công văn của Sở. Ảnh: PNVN

Trong khi hạn cuối để nộp hồ sơ đăng ký dự thi công chức, viên chức đã cận kề, nỗi hoang mang, tuyệt vọng vẫn bủa vây 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn.

Có thể, một cuộc gặp gỡ, đối thoại với cơ quan ban ngành và các giáo viên để nghe những nguyện vọng, những mong muốn, những suy nghĩ sau bao nhiêu thời gian gắn bó, cống hiến sẽ mang lại tiếng nói chung cho vấn đề.

“Không có chuyện giáo viên gắn bó chục năm phải thất nghiệp”. Đó là cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về “số phận” của 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn. Trả lời báo chí, ông Chung cho biết, hiện thành phố mới có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện giáo viên có thâm niên 20 năm, 27 năm mất việc. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn