Gần 42% cán bộ của Bộ Ngoại giao là nữ

17:27 | 13/08/2018;
Với tỷ lệ 41,85%, cán bộ nữ làm công tác đối ngoại chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của Bộ Ngoại giao. Sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương.
ngoai-giao-4.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 
Ngày 13/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đại biểu là Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao, cán bộ làm công tác ngoại vụ tại các địa phương đã tham dự Hội nghị. 
 
ngoai-giao-3.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những thành tựu đối ngoại đạt được trong những năm qua, trước hết, là do chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ban, ngành địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại.    
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác đối ngoại trong 3 năm qua đã được triển khai rất thành công theo đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước. Nổi bật là: Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Công tác đối ngoại đã phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Hội nhập kinh tế tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước; Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
 
Đặc biệt, nước ta đã tổ chức thành công năm APEC 2017, tranh thủ tốt vị trí nước chủ nhà, khẳng định được vai trò của Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề quốc tế và khu vực. Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm; công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt; công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai khá đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Trong suốt chiều dài của cách mạng, Đảng luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành Ngoại giao. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, những nhà ngoại giao xuất sắc đã trở thành tấm gương của mọi thế hệ về lòng yêu nước, về tinh thần tự học hỏi, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao.
 
ngoai-giao-1a.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa, hàng trước) và cán bộ nữ ngoại giao
Có thể nói, trong chặng đường lịch sử hơn 70 năm của ngành ngoại giao, các nhà ngoại giao nữ đã để lại những dấu ấn nổi bật nhưng bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Ngọc Dung... Tiếp nối truyền thống đó, nhiều tấm gương điển hình qua các thế hệ như bà Hồ Thể Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga... cho thấy rõ sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương. Ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và sự chuyên nghiệp nói chung, cán bộ ngoại giao nữ còn có những phẩm chất khác như sự chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ, luôn cương quyết nhưng vẫn mềm mại. Điều đặc biệt ẩn sau vẻ dịu dàng, khiêm nhường là những người phụ nữ có tinh thần thép. Những phẩm chất này không chỉ được trong nước mà cả bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao.
 
Công tác nữ hiện là một trong những trọng tâm của xây dựng ngành được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm. Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Ban Nữ công-Công đoàn Bộ Ngoại giao, cho biết: Với tỷ lệ 41,85%, cán bộ nữ ngoại giao hiện chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của Bộ Ngoại giao. Hiện Bộ có 1 nữ thứ trưởng, 9 nữ vụ trưởng, 36 nữ phó vụ trưởng, 14 nữ trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài. Nhiều gương mặt nữ đại sứ đầy triển vọng như Đại sứ ở Hà Lan Ngô Thị Hòa, Đại sứ ở Kazashstan Nguyễn Thị Thu Hiền… đang tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với các nước bạn, là “người bắc cầu nối nhân dân” tăng cường tình đoàn kết cộng đồng người Việt ở các nước sở tại và hướng mọi người về cội nguồn dân tộc. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Ngoại giao đã bổ nhiệm mới 20 cán bộ nữ, cử 4 nữ trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 33%. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn