Gần 5 tỷ đồng phạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm

17:07 | 26/09/2018;
Chỉ trong 8 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử lý 81 trường hợp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm, chủ yếu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng
Đó là thông tin được ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh Tra Cục An toàn thực phẩm, chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thị trường thực phẩm chức năng thực trạng và giải pháp phát triển” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 26/9.
 
Theo Ban Tổ chức, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Năm 2000, Việt Nam mới có đơn vị đầu tiên nhập khẩu TPCN, nhưng đến nay đã có 4.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với 7.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên,  thị trường đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.
 
Ông Trần Văn Châu cho biết, thời gian qua, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh TPCN. Một bộ phận doanh nghiệp làm ăn không chân chính dẫn đến niềm tin sụt giảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp TPCN chân chính. 
 
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Cũng theo ông Châu, thực tế có một số đơn vị vẫn bán TPCN khi chưa được cấp phép lưu hành. Khi Cục phát hiện đơn vị nào vi phạm đều xử lý theo quy định pháp luật.

 

Ngoài ra, hàng năm, Cục đều có chương trình giám sát, lấy mẫu chủ động, ngẫu nhiên trên thị trường để xét nghiệm. Những trường hợp sản phẩm không công bố, chưa có giấy phép lưu hành, vi phạm nhãn mác khi bị phát hiện sẽ thì xử phạt theo quy định. “Trong 8 tháng đầu năm, Cục đã xử lý 81 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng. Chủ yếu các trường hợp vi phạm này là về các sản phẩm giảm cân”, ông Châu dẫn chứng. 
 
Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết, có đơn vị quảng cáo TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh nhưng vẫn bị xử lý. Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Ông Châu cho biết, vấn đề này liên quan đến nội dung khi doanh nghiệp công bố sản phẩm. Với TPCN, khi công bố doanh nghiệp ghi là chỉ có công dụng hỗ trợ, làm giảm tình trạng bệnh thì các quảng cáo chỉ được phù hợp với công hiệu của sản phẩm đã công bố. Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nêu rõ: “Tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo, cơ quan phát hành quảng cáo khi sản phẩm đã được xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo sản phẩm với nội dung đã được xác nhận”. Như vậy, nếu khi công bố sản phẩm mà không có từ “hỗ trợ” thì việc quảng cáo có từ hỗ trợ là vi phạm, ông Châu nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn