Gần 5.000 người ngộ độc thực phẩm năm 2015

00:00 | 13/03/2016;
Toàn quốc xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm, 4.965 người mắc và 23 người tử vong trong năm 2015. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn nóng, đe dọa nghiêm trọng tới quyền được an toàn của NTD.
ngo-doc-thuc-pham-1.jpg
 Công nhân Công ty TNHH TM-DV-SX Chánh Ích (Đồng Nai) bị ngộ độc thực phẩm tập thể tháng 11/2015 (ảnh minh họa – MTG)

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2015 cả nước có 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong, so với năm 2014, số vụ giảm 22 vụ (11,4%), số mắc giảm 237 người và số tử vong giảm 19 người (45,2%). Theo báo cáo này, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng.

Tại Điều 317 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (năm 2015) quy định về các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng có thể  bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mặc dù vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nóng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas), cho biết: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất nóng trong đời sống xã hội hiện nay. Bất chấp an toàn tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tràn lan. Thậm chí, có nhiều vụ ngộ độc tập thể lên tới 500 người ở khu công nghiệp… Ông Hùng cho biết thêm: Năm 2015, Vinatas tiếp nhận 2.200 vụ khiếu nại của người tiêu dùng (tăng gấp đôi so với 2011 – 2012). Số đơn khiếu nại giải quyết trực tiếp được giải quyết thành công là 82%.

Tại Lễ Công bố “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3” diễn ra tối 12/3, Bộ Công thương đã lựa chọn và công bố chủ đề cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD năm 2016 là “Quyền được an toàn của NTD”. Qua đó phát động và kêu gọi các phong trào hưởng ứng nhân Ngày Quyền của NTD Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, hướng tới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi, sự thành bài của mỗi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Việc này nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nền kinh tế đất nước...

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn