Tại Việt Nam, sáng kiến Go Digital ASEAN kỳ vọng trang bị kỹ năng công nghệ số căn bản cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp vi mô do phụ nữ làm chủ để tăng khả năng tiếp cận thông tin số, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và chủ động ứng phó với đại dịch COVID dự kiến còn kéo dài. Dự án sẽ đào tạo khoảng 65.000 người tại Việt Nam và hỗ trợ các mục tiêu phát triển xã hội số của quốc gia.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – bà Hà Thị Nga chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội. “Đẩy mạnh Công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội” được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn sẽ là khâu đột phá quan trọng trong giai đoạn tới nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, bắt kịp được yêu cầu trong quá trình phát triển đất nước.
Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của TYM, với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo với mục tiêu chia sẻ các thông tin, thảo luận các giải pháp để bắt đầu triển khai hiệu quả một chương trình có tính chiến lược là “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho khách hàng tài chính vi mô góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh và việc làm đối với phụ nữ”.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có khả năng vươn xa thế giới. Trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò chủ đạo, dễ dàng tận dụng cơ hội để bứt phá, bỏ xa các hộ kinh doanh và doanh nghiệp vi mô về tốc độ phát triển và đổi mới sáng tạo.
Đại dịch COVID-19 đã để lại tác động nặng nề đối với các doanh nghiệp vi mô Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vi mô, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức, một trong số đó là không đủ khả năng và kỹ năng sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến và chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để vượt qua khủng hoảng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Giám đốc TYM nhấn mạnh: “Việc thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng số cho khách hàng tài chính vi mô, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là việc làm hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Thông qua hoạt động hợp tác với Quỹ Châu Á, TYM có điều kiện trực tiếp nâng cao kiến thức và kỹ năng công nghệ số cho khách hàng và các thành viên trong gia đình của khách hàng, góp phần tạo thêm cơ hội kinh doanh và việc làm cho họ. Mặt khác, thông qua chương trình này, TYM hy vọng các chị em trực tiếp được thụ hưởng chương trình sẽ giúp thêm nhiều chị em, hộ gia đình khác có thêm kiến thức về công nghệ số, từ đó hỗ trợ thêm được nhiều phụ nữ tự mình tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tạo việc làm. Làm cho nhiều phụ nữ tự tìm kiếm được cơ hội kinh doanh và việc làm, đồng thời làm cho họ có kiến thức về công nghệ số, TYM đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Hội LHPN Việt Nam giao và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy việc chuyển đổi số quốc gia”.
Sự kiện này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực tài chính vi mô trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Thảo luận tại hội thảo cũng cho thấy việc cung cấp kiến thức, kỹ năng số cũng đóng góp một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tài chính trong thời gian tới.
Tổ chức Tài chính Vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM) là tổ chức TCVM chính thức đầu tiên tại Việt Nam, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN VN) quyết định thành lập và được quản lý bởi NHNN Việt Nam. Trải qua hơn 28 năm hoạt động, TYM đã hỗ trợ hơn 200.000 chị em phụ nữ có thu nhập thấp ở vùng nông thôn và bán thành thị Việt Nam thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và xã hội của mình. Sứ mệnh của TYM là cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo và yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, sinh năm 1988, hội viên hội phụ nữ ở Xóm Trại – huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên, thành viên TYM cụm số 12, chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Vào những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, về kinh nghiệm bán hàng chào hàng… nhưng khó khăn lớn nhất chính là về vốn làm ăn. Do chưa có tài sản thế chấp, chưa tạo được lòng tin và sự tin tưởng của các ngân hàng để có thể làm các hồ sơ vay vốn nhưng trong lúc khó khăn nhất, gia đình chị đã được tiếp cận với nguồn vốn của TYM, vay vốn chỉ cần tín chấp, với cơ chế hoàn trả dần từng tuần rất thuận tiện.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ vào công việc đã giúp vợ chồng chị thuận lợi hơn rất nhiều. Thay vì việc trước đây phải đi gặp khách hàng trực tiếp mỗi ngày chỉ 1 đến 2 người thì từ khi có chương trình đào tạo của TYM, chị có thể giao lưu với nhiều khách hàng hơn, mở rộng thị trường cho công ty, có thể họp trực tuyến qua zoom, tải các ứng dụng thanh toán iPay, mobile banking...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn