Sáng nay (12/11), Hội LHPN Việt Nam Nam và Tổ chức Lao động quốc tế - ILO tổ chức Hội thảo "Truyền thông về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và đảm bảo tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ - Vai trò của Hội LHPN Việt Nam".
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 bên hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện bình đẳng giới trong các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam; đồng thời hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới – Chiến dịch Tô cam năm 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra những tác động đa chiều tới đời sống nhân dân, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực nhiều nhất. Theo thống kê, việc làm và thu nhập của lao động nữ bị suy giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ quý III năm 2021 thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam giới. Thu nhập bình quân của lao động nữ là 4,8 triệu đồng, chỉ bằng 70,1% so với nam giới. Đặc biệt, số lượng các vụ bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội có xu hướng gia tăng. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến 87% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Do đó, trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH giữ vai trò trụ cột và việc phát triển BHXH sẽ là tiền đề, điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó ban Chính sách – Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Những năm qua, chính sách BHXH của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách.
Từ năm 2015-2020, Hội LHPN Việt Nam đã vận động được 813.395 người tham gia BHXH tự nguyện; 8.348.709 người tham gia BHYT và có 4.980 đại lý thu do Hội LHPN thực hiện.
Hội đã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, tập huấn, game show, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị, hội thảo; Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lưu động, truyền thông tại cộng đồng, qua mạng xã hội, phóng sự, clip và tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ…
Tuy nhiên, diện bao phủ BHXH thực tế còn thấp. Đặc biệt, số lao động nhận BHXH một lần hiện đang xu hướng gia tăng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số lao động nữ lựa chọn BHXH 1 lần cao hơn so với nam giới và tập trung nhiều ở nhóm nữ dưới 35 tuổi… tình trạng này ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ hưu trí khi về già của lao động nữ.
Nguyên nhân của tỉnh trạng này, theo bà Đàm Thị Vân Thoa, hiện nay vẫn còn bất cập trong các chính sách, như số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu dài; chưa có chế độ bảo hiểm gia đình – trẻ em; chế độ BHXH chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, có các nguyên nhân xuất phát từ định kiến giới, làm tăng thêm trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình, chăm sóc con cái, ít tiếp cận các thông tin về BHXH.
Phát biểu tại hội thảo, ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, ILO, cho biết: Qua thống kê, có khoảng 69% người lao động nhận BHXH một lần là phụ nữ dưới 35 tuổi và dựa trên số liệu của BHXH Việt Nam, sự khác biệt về giới cũng ảnh hưởng đến mức hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, ông khuyến nghị hệ thống BHXH cần quan tâm tới các chính sách về tuổi nghỉ hưu, thu nhập đóng bảo hiểm, công thức tính chế độ hưu trí…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ những thông tin, kết quả nghiên cứu dưới góc độ giới trong Luật BHXH hiện hành; những kinh nghiệm truyền thông về BHXH của một số cấp Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua; thảo luận về Dự thảo Chương trình truyền thông mở rộng diện BHXH và đảm bảo tiếp cận an sinh xã hội cho phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030. Những hoạt động này hướng tới đổi mới công tác tuyên truyền BHXH thông qua xác định mục tiêu, nội dung, hoạt động, đối tượng truyền thông…. giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia BHXH.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2020, mới chỉ có 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc; và 2,31% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện, như vậy còn đến 66,5% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn