Các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh đang vận hành 1.859 máy bơm và 54 cống tiêu nước để tiêu úng và tiêu nước đệm.
Nam Định là địa phương đang có diện tích lúa mùa bị ngập nhiều nhất 27.530/62.260 ha, chiếm 44% diện tích đã gieo cấy, tăng 6.000 ha so với ngày 18/7. Hiện nay, toàn tỉnh đang vận hành 307 máy bơm các loại, mở 6 cống tiêu.
Tỉnh Ninh Bình đang có 5.290/20.000 ha lúa mùa bị ngập, chiếm 26% diện tích đã gieo cấy, giảm 1.367 ha so với ngày 18/7. Tỉnh đang vận hành 284 máy bơm và mở 11 cống tiêu.
Thanh Hóa cũng có 14.590/121.860 ha lúa bị ngập, chiếm 12% diện tích đã gieo cấy, tăng 2.760ha so với ngày 18/7 và 2.600ha hoa màu bị ngập. Thanh Hóa hiện đang vận hành 236 máy bơm và mở 10 cống tiêu nước.
Tỉnh Nghệ An có 12.250/83.000ha lúa, chiếm tỷ lệ 15% diện tích đã gieo cấy, tăng 4.710 ha so với ngày 18/7 và 6.740 ha rau màu bị ngập.
Theo dự báo, hoàn lưu của cơn bão số 3 sẽ tiếp tục gây mưa ở các địa phương đang có nhiều diện tích ngập; do vậy, diện tích úng ngập sẽ tăng và khả năng sẽ có thiệt hại do hầu hết các diện tích lúa mùa, Hè Thu mới được gieo cấy.
Một số địa phương ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên... chưa có diện tích bị ngập úng nhưng đang vận hành 578 máy bơm tiêu và mở 14 cống tiêu để tiêu nước đệm phòng, chống ngập, úng
Các công ty khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh: Bắc Nam Hà cũng đang vận hành 91 máy bơm, 2 cống tiêu; Bắc Hưng Hải 7 máy bơm và 2 cống tiêu.
Hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ mới đạt 40-60% dung tích thiết kế; có 155/2.699 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 50-75% dung tích thiết kế; có 138 hồ chứa xung yếu.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, các hồ cơ bản còn thấp, mới đạt 35-65% dung tích thiết kế; có 943/1.788 hồ chưa nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 50-80% dung tích thiết kế.
Theo Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa nước khu vực Bắc Bộ hiện đã vận hành hồ chứa theo quy trình vận hành điều tiết trong mùa mưa. Tuy nhiên, ngoài việc vận hành theo quy trình, các hồ chứa cần lưu ý với những hiện tượng sạt lở đất khu vực lòng hồ, theo dõi sát diễn biến thời tiết để có những phương án vận hành phù hợp bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du (Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình).
Các tỉnh Bắc Trung Bộ cần sớm thực hiện tốt việc kiểm tra công trình và sửa chữa ngay những công trình bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn.
Đối với công trình đầu mối Nam Thạch Hãn (bị sự cố xói hạ lưu tràn từ năm 2016) và đập hồ chứa nươc Triệu Thượng 2 (bị sự cố sạt trượt mái hạ lưu đập năm 2017), cần theo dõi sát diễn biến an toàn, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó thiên tai của công trình.