Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19

13:39 | 24/05/2021;
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) vừa công bố báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh này, Hội LHPN Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

"Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020" cho biết, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực". Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ "không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn tích cực".

Tái tạo kinh doanh khi chững lại vì Covid 19 - Ảnh 1.

Huấn luyện viên khởi nghiệp Trương Thị Hương Giang

Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất

Huấn luyện viên khởi nghiệp Trương Thị Hương Giang (Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế), cho hay, trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. 

Đó là một bức tranh tổng quát, với gam màu tối, phản ảnh hiện trạng mà các doanh nghiệp cần thẳng thắn thừa nhận. Dịch Covid-19 đã diễn ra đến nay là gần 2 năm, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực vẫn còn đang còn không khỏi ngỡ ngàng, chưa thực sự chấp nhận sự tồn tại và tìm cách thích ứng với nó. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn với hi vọng nó sẽ chóng qua và mọi thứ sẽ trở lại như ban đầu. Đó thực sự là điều không thể. 

Ngay cả vi-rút Corona, nó cũng đã xuất hiện biến thể mới, với khả năng lây nhiễm cao hơn và kháng vắc-xin, thì việc doanh nghiệp cũng phải xoay chuyển, ứng biến với sự thay đổi đó, là điều tất yếu.

Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Sản phẩm khởi nghiệp của hội viên Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Kiều Trang

Doanh nghiệp cần làm gì?

Doanh nghiệp cần làm gì khi đã và đang bị chững lại trong đại dịch, Huấn luyện viên khởi nghiệp Hương Giang đã đưa ra 5 vấn đề mang tính cơ bản, tiên quyết đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

1 - Thay đổi tư duy trong bản thân nhà lãnh đạo, quản lí, tìm kiếm cơ hội trong thách thức. Đặt lại câu hỏi trong tình huống mới, để giải bài toán kinh doanh mới.

Tư duy khởi nghiệp được xem là cần phát huy trong việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sáng tạo giải pháp giá trị, linh hoạt, thích ứng trong điều kiện "bình thường mới", xem những thách thức là động lực để sáng tạo và phát triển. 

2 - Chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua chuyển đổi số

Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà doanh nghiệp mang lại giá trị cho khách hàng, với hiệu suất và hiệu quả tối ưu. 

Doanh nghiệp phải xem việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là tất yếu, và chuyển đổi số là phương thức, chứ không phải là ngược lại. Nhà quản trị cần thấy được, liệu doanh nghiệp có cần thiết phải chuyển đổi số hay không, hay chỉ cần chuyển đổi mô hình thông qua cách khác.

Nếu thấy rõ lợi ích và khả năng chuyển đổi số, thì doanh nghiệp mới xây dựng quy trình từng bước, từ đơn giản đến phức tạp cho quy trình này, đồng thời kiểm chứng sự phù hợp trong điều kiện kinh doanh thực tế.

3- Tái cấu trúc doanh nghiệp, tái hệ thống quy trình quản trị

Cũng theo báo cáo của VCCI và WB, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. 

Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Doanh thu giảm, chi phí vận hành gây áp lực lên hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị dòng tiền. Doanh nghiệp cần tận dụng thời gian dịch, khi năng suất sản xuất/bán hàng giảm, để tái thiết cấu trúc doanh nghiệp và quy trình quản trị như: cắt giảm nhân sự (hoặc cho nghỉ tạm thời); sắp xếp lại cấu trúc bộ máy doanh nghiệp hướng tinh gọn, đa năng; thay đổi quy trình quản trị tập trung hiệu quả, giảm thủ tục rườm rà. Cách thức dễ dàng kiểm chứng nhất là chuyển đổi cách thức bán hàng, gia tăng thương mại điện tử, phương thức này càng ngày càng thất lợi ích trong điều kiện giãn cách xã hội, và cách mạng số bùng nổ chưa từng có.

4 - Tinh gọn chi phí không cần thiết, tập trung vào quản lí chi phí bán hàng, duy trì doanh số tối thiểu.

Các chi phí cố định (văn phòng/showroom/kho bãi…) là các chi phí chiếm tỉ trọng phí cao, tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh sụt giảm, và nếu tận dụng tốt sự tiện lợi của thương mại điện tử, quản trị sáng tạo, thì ngay lập tức hãy tiết giảm các chi phí cố định- không cần thiết đó. Các chi phí gián tiếp (quản lí, vận hành, quảng cáo,…) cũng sẽ tính toán tiết giảm trong phân bổ, tránh lãng phí tối đa.

5 - Sáng tạo giá trị phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới

Một số nhu cầu, xu hướng tiêu dùng mới sẽ hình thành trong đại dịch như: gia tăng sử dụng mua hàng trực tuyến; định nghĩa lại trải nghiệm của người tiêu dùng; nhu cầu gia tăng các sản phẩm y tế/dược bảo vệ sức khỏe; sự quan tâm nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm cao hơn; tăng cường tính năng/công nghệ đóng gói/giao hàng…

Doanh nghiệp tìm giải pháp đáp ứng xu thế càng sớm, càng có điều kiện kiểm định và phát triển thị trường.

Từ thời điểm phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng nhiều video clip, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn tham gia đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều chương trình, ngày hội để chung tay cùng chị em phụ nữ hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn