Chị Thanh Tân chia sẻ, chị rất coi trọng bữa cơm gia đình nên từ khi yêu nhau và kết hôn, vợ chồng chị thống nhất phải thường xuyên chăm lo cho bữa cơm gia đình. Kể cả hồi mới cưới, chưa có con thì vợ chồng chị Tân - anh Hà vẫn luôn duy trì thói quen nấu ăn ở nhà thay vì ăn cơm hàng quán.
"Tôi dành nhiều tình yêu cho gian bếp nhỏ. Hồi vợ chồng son, ngày nghỉ cuối tuần, anh ấy thường đèo tôi đi chợ, về nhà bật nhạc, cùng làm bếp, nói đủ thứ chuyện. Đến bữa, chỉ hai vợ chồng ngồi vào mâm thôi mà cảm thấy ấm áp, ngập tràn niềm vui.
Sau này có con, những ngày cuối tuần, không khí trong gian bếp nhà tôi lúc nào cũng vui như có tiệc. Nhiều hôm, chỉ đơn giản làm món đậu tẩm hành, thịt rang cháy cạnh thôi mà thơm nức mũi cả nhà. Nghe tiếng chồng hít hà, tiếng con xuýt xoa khen mà tôi thấy hạnh phúc ngập tràn", chị Tân kể.
Làm trong lĩnh vực công nghệ, công việc bận rộn và căng thẳng nên hết giờ làm việc, anh Hà chỉ muốn được về nhà tận hưởng không khí bình yên, thư thái bên gia đình.
"Mỗi người một quan điểm sống, tôi không thích những cuộc nhậu nhẹt bên ngoài. Tất nhiên, không phải cuộc vui vẻ, gặp gỡ bạn bè nào cũng từ chối nhưng tôi đặt ra nguyên tắc là luôn về nhà trước bữa cơm tối.
Hai con chúng tôi đang học lớp 5 và lớp 8, chẳng mấy nữa mà chúng vào đại học, trưởng thành và có cuộc sống xa nhà. Bởi vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng để cả nhà có nhiều thời gian nhất bên nhau khi các con còn trong vòng tay bố mẹ", anh Hà bày tỏ.
Cũng theo anh Hà, lối sống hiện đại đang làm cho một số giá trị tốt đẹp của gia đình bị phai nhạt. Bên cạnh đó, các thiết bị công nghệ thông minh ra đời đôi khi khiến vợ chồng, con cái ít dành thời gian bên nhau, quan tâm lẫn nhau.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ có quan điểm và định hướng rõ ràng, đặt ra những nguyên tắc cho chính mình và các con thì sẽ duy trì được nếp nhà cũng như những giá trị tích cực của gia đình.
Thực tế, do bị cuốn vào vòng xoáy lo toan, nhiều cặp vợ chồng lãng quên bữa cơm gia đình; thậm chí xao nhãng, buông lỏng con cái. Vì thiếu sự quan tâm đến nhau mà mối quan hệ của các thành viên trở nên hời hợt, có nguy cơ đi đến đổ vỡ. Khi gia đình không còn là tổ ấm, cha mẹ không hoà thuận, bữa cơm gia đình lỏng lẻo, hạnh phúc rạn nứt thì người phải gánh chịu nhiều nhất chính là con trẻ.
Đôi khi, người lớn hay đổ lỗi vì guồng quay cuộc sống mưu sinh nên không có nhiều thời gian quan tâm đến gia đình. Đó chỉ là một cách bao biện cho những "lỗ hổng" của bản thân. Vì suy cho cùng, có nhiều cách để chúng ta sắp xếp thời gian và tổ chức cuộc sống gia đình.
"Nếu không có điều kiện, không nhất thiết tất cả các bữa cơm gia đình đều phải đầy đủ các thành viên. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta duy trì và tạo được thói quen để tất cả các thành viên hướng về bữa cơm gia đình. Khi vợ chồng, con cái ai nấy đều có ý thức về bữa cơm gia đình thì tự khắc, đi đâu, làm gì tất thảy đều hướng tâm về gia đình", chị Hà khẳng định.
Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, việc chăm chút bữa cơm gia đình chính là cách hữu hiệu để gắn kết các thành viên gia đình. Đôi khi, chỉ cần mỗi người biết gạt đi những thú vui riêng tư bên ngoài để trở về nhà trước bữa cơm tối là đã có thể tạo ra hạnh phúc và niềm vui cho người thân yêu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn