Quảng cáo như "thần dược" điều trị bệnh gout
Xuất hiện hàng loạt thông tin hình ảnh, clip quảng cáo sản phẩm Kushiqu trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok với tần suất dày đặc.
Điều đáng nói, các clip quảng cáo này đều thổi phồng công dụng của sản phẩm Kushiqu như bài thuốc điều trị dứt điểm bệnh gout. Thậm chí là dứt điểm ngay sau 30 ngày.
Cùng với đó là những bác sĩ N.T.S, H.B.D nói về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kushiqu mang tính phóng đại, tại trang fanpage “Kushiqu - Dứt điểm GOUT trong 30 ngày”, có hàng loạt thông tin như: Ca sĩ Q.Lđã thoát khỏi bệnh gout nhờ Kushiqu; Kushiqu viên đặc trị gout số 1 Nhật Bản; Xóa bỏ gout cấp tính, mãn tính”.
Rồi thì “10 ngày giảm đau nhức gút cấp, 20 ngày hết đau nhức sưng tấy, 40 ngày là axit uric xuống dưới 400. Với thành phần 100% từ thảo dược thiên nhiên. Giảm cơn đau gút, ngăn ngừa biến chứng. Tăng đào thải Axit Uric, làm mềm cục tophi. Phục hồi gan thận, bồi bổ khớp xương”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Ngoài ra còn một số phóng viên nghiệp dư vào đóng giả bệnh nhân đã khỏi bệnh gout nhờ sử dụng Kushiqu. Trong đó xuất hiện nhiều nhất là ông Davide Đức, người được giới thiệu là Kiến trúc sư. Nhưng thực tế tìm hiểu của phóng viên, vị này có tên thật là Nguyễn Đình H., ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Vị này thường xuyên đi diễn quảng cáo cho các loại thực phẩm chức năng.
Điều đáng nói, trên các clip quảng cáo sản phẩm này còn gắn logo VTV2 và logo VTV24, của Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên, đây là thủ thuật mạo danh logo VTV, khiến cho nhiều người bệnh gout đã tin tưởng đây là thuốc chữa bệnh gout, được Đài Truyền hình Việt Nam quảng cáo.
Sự thật Kushiqu chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Quảng cáo thì hoành tráng như “thần dược” nhưng thực tế thì Kushiqu chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo thông tin trên trang website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kushiqu được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm số 9911/2021, ngày 26/10/2021. Đơn vị chịu trách nhiệm công bố lưu hành là Công ty cổ phần dược Minh Duy, có địa chỉ tại số nhà 61, ngõ 12, đường Lương Khánh Thiện, tổ 60, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Duy.
Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và giấy xác nhận quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm TPBVSK Kushiqu
Cùng với đó là nội dung giấy xác nhận quảng cáo số 1387/2022, ngày 26/8/2022 do Cục An toàn thực phẩm cấp, có nêu rõ sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, quy định rõ không được quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Đặc biệt, quảng cáo thực phẩm chức năng phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Các thông tin do Cục An toàn thực phẩm cấp rõ ràng là vậy nhưng có lẽ đơn vị này muốn quảng cáo thu hút nhiều người bệnh, nhằm thu được nhiều lợi nhuận, nên họ đã cố tình quên các quy định của pháp luật, để chạy theo lợi nhuận chăng? Thậm chí, họ còn đưa thông tin hình con dấu đỏ, có dòng chữ “sản phẩm này đã được Bộ Y tế chứng nhận”.
Người bệnh cần tỉnh táo, tránh "sập bẫy"
Anh Tạ Huy Cường, ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết: "Cái này chắc là quảng cáo nói quá lên thôi, thứ nhất nó chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh. Thứ hai, theo tôi được biết, cho đến nay chưa có thuốc nào chữa dứt điểm được bệnh gút. Việc họ bán hàng thì họ cứ quảng cáo vống lên, ai tin theo thì chỉ có mất tiền oan".
Anh Nguyễn Văn Sơn, cũng ở xã Đông Hội, chia sẻ: "Nhiều người mang tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" nên cứ thấy quảng cáo là mua về sử dụng. Đến khi thấy không hiệu quả thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Chứ còn dám kêu với ai nữa, đến lúc biết là sai lầm thì đã mất tiền rồi".
Thiết nghĩ, người dân cần hết sức cảnh giác, không tin theo những lời quảng cáo hoa mỹ, để rồi tự biến mình thành nạn nhân sập bẫy lừa, tiền mất tật mang.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng dàn dựng quảng cáo sai sự thật như trên.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn