Đây là thông tin được đưa ra trong "Báo cáo nhanh số 3 của ILO: đại dịch Covid-19 và thế giới việc làm" vừa công bố. Dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý 2 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với ước tính trước đây.
Tình trạng giảm giờ làm tồi tệ hơn
So với giai đoạn tiền khủng hoảng (quý 4/2019), số giờ làm dự kiến bị cắt giảm sẽ là 10,5%, tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Con số ước tính trước đây là 6,7% tổng số giờ làm bị cắt giảm, tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài.
Khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến gần 1,6 tỷ trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức trên thế giới phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của họ. Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Ước tính tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã khiến 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Nếu không có các nguồn thu nhập khác, những người lao động này và gia đình họ sẽ không còn cách nào để duy trì cuộc sống.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Với tình hình đại dịch và khủng hoảng việc làm ngày càng diễn tiễn phức tạp, chúng ta càng cần phải khẩn trương bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Với hàng triệu người lao động, không có thu nhập đồng nghĩa với việc không có thức ăn, không có an ninh và không có tương lai. Hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới đang nín thở. Họ không có những khoản tiết kiệm hay được tiếp cận các khoản vay. Đây là bộ mặt thật của thế giới việc làm. Nếu bây giờ chúng ta không giúp đỡ họ, đơn giản là họ sẽ không thể tồn tại".
Nạn đói hoành hành
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trên thế giới vốn đã có 135 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Giờ đây với sự bùng phát của Covid-19, năm 2020 số người đói có thể thêm 130 triệu nữa. Giám đốc điều hành WFP David Beasley cảnh báo, nguy cơ xảy ra "đại dịch đói" trong năm 2020. Ông cho biết khủng hoảng lương thực năm 2020 sẽ còn nghiêm trọng hơn do tác động kép của xung đột, thời tiết cực đoan, sâu bọ, khủng hoảng kinh tế.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng gấp đôi số người đối mặt với nguy cơ chết đói trong năm 2020 lên tổng số 265 triệu người. Châu Phi và Trung Đông sẽ là 2 khu vực đối diện nạn dịch đói cao nhất. Do đó, vấn đề bảo vệ thường dân bị nạn đói, đặc biệt các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ, người già là mối quan tâm của chính quyền các nước. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hàng triệu trẻ em Trung Đông sẽ trở nên nghèo khó hơn khi những người chăm sóc các em bị mất việc làm vì các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên toàn khu vực. "Chúng tôi không nói về những người ôm cái bụng đói đi ngủ, mà chúng tôi nói về tình trạng cùng cực, nguy cấp, về những người đang đứng bên bờ vực chết đói", ông David nói.
Các chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng nghèo đói lần này là toàn cầu. 30 quốc gia đang phát triển có thể đối diện nạn đói, trong đó có 10 quốc gia với hơn 1 triệu người đang trên bờ vực suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh và sự phá vỡ trật tự kinh tế sau đó: Nhiều người phải vật lộn để sống sót đột nhiên mất thu nhập, giá dầu lao dốc, gián đoạn du lịch dẫn đến khan hiếm tiền tệ, lao động nước ngoài không có thu nhập để gửi về nhà và các vấn đề đang diễn ra như biến đổi khí hậu, bạo lực, phân tán dân số và thảm họa nhân đạo. Từ Honduras qua Nam Phi đến Ấn Độ, mọi người phẫn nộ vì sợ chết đói trong cuộc phong tỏa, các cuộc biểu tình và cướp bóc đã nổ ra. Với việc đóng cửa trường học, 1,54 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó 743 triệu trẻ em gái và hơn 111 triệu đến từ các quốc gia kém phát triển nhất, phải nghỉ học. Do đó, các em đã mất các bữa ăn dinh dưỡng mà chúng thường có ở trường.
Các quốc gia châu Phi, đặc biệt là Zimbabwe, Malawi, Zambia và Mozambique, từng phải đối mặt với nạn đói sau đợt hạn hán tàn khốc và 2 trận lốc xoáy năm ngoái. Việc phong tỏa do Covid-19 có thể khiến người dân Zimbabwe chìm sâu hơn vào nạn đói, khi đất nước mới qua khỏi mùa hạn hán nghiêm trọng. Ngoài ra, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người tị nạn và cư dân sống trong các khu vực có xung đột quân sự. Lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại đã hủy hoại thu nhập ít ỏi của người di tản ở Uganda và Ethiopia, cũng như việc cung cấp hạt giống và nông cụ ở Nam Sudan và phân phối viện trợ lương thực ở Cộng hòa Trung Phi. Tại Nigeria, các biện pháp ngăn chặn virus đã khiến giá lương thực tăng vọt. Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), nước này đã tiếp đón gần 60.000 người tị nạn đã chạy trốn cuộc xung đột ở Mali.
Khi nhiều người đói, một số quốc gia lo lắng rằng tình trạng thiếu lương thực sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Covid-19 đang 'giết chết' những người nghèo tại các quốc gia Mỹ Latinh vốn đang phải lao động hàng ngày để kiếm tiên nuôi gia đình, cũng như điều kiện sống của họ hết sức tồi tàn và thiếu sự chăm sóc y tế cần thiết. Chính quyền Peru cho biết sẽ hỗ trợ cho 2,7 triệu hộ gia đình thuộc diện nghèo đói ở nước này mỗi người 108 USD. Argentina cũng đã công bố sẽ hỗ trợ cho lực lượng lao động phi chính thức của nước này mỗi người 151 USD.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn