Ōkunoshima hay còn gọi là "đảo thỏ" là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản với hơn 100.000 du khách mỗi năm.
Cách Hiroshima 70 cây số, khách du lịch đổ xô đến hòn đảo này vì những bãi biển, suối nước nóng và quan trọng nhất là những chú thỏ hoang dã.
Được biết đến là nơi sinh sống của hơn 900 chú thỏ hoang đáng yêu, những cư dân lắm lông của hòn đảo hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đe dọa đến sinh tồn của chúng chỉ vì một thói quen vô tình của du khách.
Khách du lịch đến thăm hòn đảo đã mang quá nhiều thức ăn để cho thỏ ăn và thường để lại thức ăn thừa. Thức ăn thừa đã bắt đầu thu hút những động vật săn mồi từ các bờ biển gần đó. Do một số lượng đáng kể du khách phớt lờ hướng dẫn cho ăn của ban quản lý thành phố, một số con thỏ cũng yếu và không khỏe do bị cho ăn sai chế độ ăn. Khách du lịch thường cung cấp rau diếp và cà rốt, thay vì thức ăn viên, cỏ và rau mà thỏ nên được cho ăn.
Với sự gia tăng của các loài động vật hoang dã và đôi khi hung hăng như chuột, quạ và thậm chí cả lợn rừng trên đảo, quần thể thỏ dễ bị tổn thương buộc phải cạnh tranh với các loài nhỏ hơn để kiếm thức ăn và các loài lớn hơn để giữ lấy mạng.
Theo Kevin Short, giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học Nghiên cứu Thông tin Tokyo, thiên địch lớn nhất của loài thỏ trên đảo này là "quạ rừng", được biết đến là loài rất hung dữ.
"Những con quạ này hoàn toàn không gặp vấn đề gì khi giết một con thỏ non hoặc yếu, và tôi cho rằng chúng có thể nuốt chửng cả một con thỏ mới sinh", Short nói với SCMP.
"Nhưng vốn dĩ những con thỏ cũng không có nguồn gốc từ Ōkunoshima", Short nói. Vào đầu những năm 1900, hòn đảo này là nơi từng là nhà máy sản xuất khí độc cho các lực lượng vũ trang trong khu vực.
Những chú thỏ chỉ bắt đầu xuất hiện trên đảo vào những năm 1970.
Một số người tin rằng những chú thỏ hoang dã có nguồn gốc từ một đàn thỏ nhỏ gồm 8 chú thỏ mà một số học sinh đã thả lên đảo vào năm 1971. Những người khác nói rằng tổ tiên của những chú thỏ là đối tượng thí nghiệm trong Thế chiến II.
Nếu không phải vì quá đáng yêu và có những đóng góp to lớn cho ngành du lịch địa phương, Short tin rằng thỏ có thể sẽ bị coi là loài xâm lấn giống như những loài săn mồi khác, theo luật pháp ở Nhật Bản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn