Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011. Nước ta có trên 11 triệu NCT, tương đương hơn 11%. Dự báo đến năm 2030, NCT Việt Nam chiếm 17% dân số và sẽ lên 25% vào năm 2050.
Theo TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TƯ, NCT nước ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, gồm cả bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Nhiều NCT bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mạn tính và chuyển hóa như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, bệnh liên quan đến phổi... Đặc biệt, người cao tuổi thường bị mắc đan xen đa bệnh lý, sức khỏe suy giảm nên công tác điều trị, dự phòng thường gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương với 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình 1 người cao tuổi mắc 6,9 bệnh. Trong số này, chỉ gần 63% cụ có bảo hiểm y tế, 28% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống. Thu nhập trung bình của các cụ khoảng 538.000 đồng một tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.
An sinh xã hội cho NCT còn nhiều hạn chế
Thực tế, khá nhiều NCT ở nước ta rơi vào tình trạng trên. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho NCT còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có 97 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; 918 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; 8.173 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân cao tuổi.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nhóm NCT ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chiếm tỷ lệ cao trong dân số cao tuổi nhưng lại khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đa phần NCT thuộc diện này không có lương hưu. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội cho NCT Việt Nam tập trung chủ yếu vào các nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội (cụ thể là hưu trí và tử tuất), bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Mặt khác, tỷ lệ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với NCT còn hạn chế, đặc biệt thiếu các trung tâm dưỡng lão cả của nhà nước và tư nhân.
Cần quan tâm đến cả đời sống vật chất và tinh thần
Theo TS Nguyễn Trung Anh, hiện bệnh mà NCT mắc đa dạng hơn. Trung bình 1 ngày, lượng NCT đến khám tại bệnh viện khoảng 450 - 500 người. Tình trạng sức khỏe của NCT phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, trong đó tuổi càng tăng thì tỷ lệ NCT có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài. NCT thường suy nghĩ tiêu cực, lo sợ rằng bản thân trở thành gánh nặng cho con cháu. Điều này gây trở ngại cho quá trình điều trị.
Để nâng cao sức khỏe cho NCT, công tác dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. NCT cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, có sổ theo dõi bệnh và tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cũng theo bác sĩ Trung Anh, tinh thần là một trong những yếu tố rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho NCT. Ngoài chăm sóc y tế, bệnh nhân cao tuổi cần được chăm sóc về tinh thần.
Theo TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội NCT Việt Nam, nhà nước cần sớm có chính sách khuyến khích ưu đãi xã hội hóa về đất, vốn tín dụng, thuế thu nhập, điện nước… để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội quan tâm đầu tư xây dựng phát triển các trung tâm, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Thực tế, trong tổng số hơn 11 triệu NCT có bộ phận không nhỏ có nhu cầu làm việc theo điều kiện cho phép nhằm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Vì vậy, cũng cần có chính sách để tạo việc làm cho NCT.
“Do chính sách hỗ trợ NCT còn hạn chế nên Hội NCT Việt Nam đã đề nghị xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ 80 tuổi hiện nay xuống từ 75 tuổi trở lên cho những trường hợp trong diện được hỗ trợ. Trước mắt, ưu tiên trước cho NCT là đồng bào dân tộc thiểu số, NCT sống ở miền núi, biên giới, hải đảo”, TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội NCT Việt Nam, cho biết. |