Sau đó, chị đã đặt mua bộ sản phẩm tái tạo da gồm tinh chất tái tạo da và bột rửa mặt được quảng cáo có tác dụng xóa sạch các vết nám, tàn nhang và giúp tái sinh làn da với mức giá được khuyến mãi là hơn 370.000 đồng. Chị được nhân viên của cửa hàng hướng dẫn bôi tinh chất lên mặt 3 lần mỗi ngày.
Theo chị L., mỗi lần bôi sản phẩm lên da, chị đều thấy da hơi nóng, ửng đỏ. Sau 3 ngày sử dụng liên tiếp, da mặt chị dần sưng lên, nóng, đỏ, chảy dịch, hai mắt sưng híp không nhìn thấy được.
"Tôi có liên hệ với cửa hàng thì được hướng dẫn mua sữa tươi không đường về trộn với bột rửa mặt trong bộ sản phẩm tái tạo da để rửa mặt. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Tôi chụp hình khuôn mặt mình, trao đổi lại với cửa hàng thì họ nói như vậy là tốt, da đang đào thải mạnh", chị L. chia sẻ.
Lo lắng, chị L. đến bệnh viện để thăm khám. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định chị có dấu hiệu viêm da tiếp xúc dị ứng kèm theo tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Nguyên nhân là do bệnh nhân sử dụng sản phẩm "peel" da với thành phần không rõ ràng về hoạt chất và nồng độ gây lột da mức độ nặng.
Việc lột mạnh khiến các lớp da nông lẫn da sâu bị bong tróc, kích thích phản ứng viêm, gây đỏ và sưng nề mặt. Hơn nữa, các vi khuẩn có hại xâm nhập vào da gây nhiễm trùng. Sau khi nhập viên, chị L. được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm ngứa và chăm sóc tại chỗ.
Sau điều trị khoảng 1 tuần, da giảm phù nề, giảm đỏ, các mụn mủ khô dần bong vảy, bệnh nhân được xuất viện.
Thực tế, thời gian qua, các bệnh viện tại TPHCM đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị biến chứng sau "peel" da do bệnh nhân tự mua các sản phẩm không rõ hoạt chất như thuốc rượu, kem sâm.
Khi bôi lên da mặt, bệnh nhân gặp tình trạng da đỏ, sưng nề, xuất hiện nhiều mụn nước, bóng nước, bỏng da. Bệnh nhân phải điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và những phương pháp thẩm mỹ phục hồi, làn da mới có thể trở về gần như bình thường.
ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, lột da bằng hóa chất nhằm mục đích tẩy tế bào chết, điều trị các bệnh lý về da hoặc vấn đề thẩm mỹ của da như mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn, lỗ chân lông to, sạm da, tẩy tế bào chết…
Thủ thuật "peel" da phụ thuộc vào tình trạng da, tính chất của da để lựa chọn hoạt chất và nồng độ phù hợp. Nếu chị em tự "peel" da tại nhà cũng như sử dụng không đúng hoạt chất và nồng độ có thể dẫn đến tổn thương trên da, gây bong tróc, mụn nước, bóng nước.
Nghiêm trọng hơn là dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu không đến bệnh viện kịp thời, người bệnh có thể bị để lại sẹo và khó phục hồi làn da ban đầu.
Theo bác sĩ, trường hợp "peel" da với mục đích tẩy tế bào chết bằng các sản phẩm nồng độ thấp và có dán nhãn được "peel" da tại nhà thì chị em có thể làm tại nhà. Tuy nhiên, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn sau:
- Nếu "peel" da vùng mặt thì cần nằm đầu cao 15-30 độ, bọc tóc gọn gàng, tẩy trang và rửa mặt sạch, che mắt hoặc nhắm mắt khi thực hiện.
- Khi "peel" da cần bôi hoạt chất đều tay, tránh bôi lặp lại quá nhiều lần hoặc bôi hoạt chất nhiều vào vùng trũng của mắt và khoé mũi.
"Đối với các mục đích điều trị còn lại như mụn, sẹo, sạm da, lỗ chân lông to hoặc không biết kỹ thuật "peel" da tại nhà thì chị em cần phải đến khám bác sĩ. Nếu được bác sĩ chỉ định "peel" da thì sẽ được thực hiện bởi nhân viên y tế có chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật này để tránh những tai biến không đáng có", bác sĩ Lê Thảo Hiền khuyến cáo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn